Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Nghệ thuật sống

Kỷ vật

Đăng lúc 21:07 ngày 17/05/2013

Như đã thành lệ đến ngày cuối năm khi mâm cơm tất niên hoàn tất, trong làn hương trầm nghi ngút, cả nhà rôm rả chờ phá cỗ, mẹ lại tất tưởi xếp một mâm cỗ nhỏ nhưng đầy đủ hương hoa lễ vật, những cành hoa huệ ngậm hương trắng muốt, trên xấp vàng mã là chiếc nón trắng quai nhung mới tinh...


 
Hình như mẹ kỳ mẫn góp nhặt chút kỷ vật gì đó từ ngày xưa, đôi mắt bà hoen nước, một lúc nữa khi nhang tàn chiếc nón lại được hóa cùng xấp vàng mã, mẹ bảo để dì Tùng ở bên kia có cái mà du xuân cùng thiên hạ.
 
Có lần cũng vì chiếc nón lá này mà tôi suýt bị ăn đòn, số là trong phiên chợ Tết sáng ba mươi bao giờ mẹ cũng đưa cho mấy chục đồng đi chợ Tết, khi đi mẹ dặn mua gì thì mua nhớ mua cái nón mới về tối mẹ thắp hương cho dì, đến chợ đốt xong bánh pháo rồi còn chưa đã, cầm hai mươi đồng lưỡng lự đã vậy bà chủ tiệm tạp hóa chìa ra bánh pháo đỏ lừ mời mọc “mua đi con, pháo Nam Ô nổ đã lắm”, thôi thì trăm lạy dì… Đến tối mẹ hỏi nón đâu mới ngớ người. Giờ này người ta chúi vào mâm cỗ ai còn để ý nón với chả mũ, đã vậy còn ươn gan cãi bướng “tại con quên chứ”, lần đầu bị mẹ đánh, không đánh bằng roi mà là một cái bạt tai cháy má chứng tỏ trong lòng bà đang chất chứa cơn cuồng nộ…
 
Với mẹ dì Tùng là máu thịt là thiêng liêng, là những kỷ niệm thời ấu thơ với mịt mù khói bom, một tháng gần ba mươi ngày không ngủ ngon giấc đã hằn sâu trong ký ức bao thế hệ. Dì hơn mẹ gần chục tuổi nhưng có lẽ vì đồng cảnh ngộ nên chơi với mẹ rất thân vừa là bạn vừa như người chị cả, bố mẹ dì nghèo không nuôi nổi phải cho ông xạ Bường giàu có nhất làng nhận làm con nuôi, tiếng là lớn lên trong nhà quyền quý nhưng làm sao tránh được cái phận đứa ở, con đòi… Tuổi thơ của dì là những năm tháng cơ cực, những trận đòn quắn mông khi mải chơi để trâu ăn lúa, cả đời hình như chưa lúc nào có bữa cơm no, không được manh áo lành lặn, dì chỉ mong sớm đến ba ngày Tết bà Bường may cho tấm áo, cái nón mới đi du xuân thêm vài chục bạc về giúp bố mẹ. Có lẽ vì cuộc sống cơ hàn, sớm tự lập nên mới mười lăm tuổi dì đã chững chạc, già dặn khôn ngoan như một người thiếu nữ từ việc đồng áng đến tề gia nội trợ việc gì đến tay cũng nhanh thoăn thoắt đã vậy làn da bánh mật, cặp mắt đen láy gọn ghẽ trên gương mặt trái xoan ẩn chứa nét duyên thầm của người con gái, nhiều người trong làng có ý đặt cơi trầu lấy chỗ đi lại nhưng ông bà Bường không chịu, mấy cô chú đi thoát ly hết còn dì nương tựa sớm hôm. Khốn cho mấy tay sĩ quan ngụy dẫn lính đi càn, vừa gặp dì là mắt tròn mắt dẹt, gác chân lên xe jeep say sưa tán dóc, làm duyên làm dáng để lính sập hầm chông khóc la ỏm tỏi, bọn cố vấn Mỹ chửi xì lồ xì là cho mấy cái tát nảy lửa rồi lục tục kéo nhau đi, có lẽ vì vậy mà cơ sở Cách mạng và đường giao liên nội tuyến ổn định cả chục năm ròng. …
 
Quê tôi ở vùng giới tuyến, ngày nào cũng có những đoàn quân vượt sông Bến Hải, dì lại tất tưởi cùng các bà các mẹ nấu cơm nắm cho bộ đội, họ đến rồi đi có người nắm chặt bàn tay ấm nóng của dì, trong ánh mắt đằm sâu mênh mang pha chút yêu thương lẫn cảm phục người con gái dũng cảm kiên cường vùng giới tuyến, họ muốn nói điều gì đó nhưng cuộc chiến còn dài chưa biết ngày mai sống chết ra sao nên mỗi lần gặp dì lại mang trong lòng nỗi nhớ mênh mang, lại bồi hồi khi nhận được những lá thư từ tiền tuyến… Máy bay OV10 và L19 như những con diều hâu sà xuống ngó nghiêng rồi vút đi, tiếng pháo kích, tiếng máy bay trực thăng đổ quân báo hiệu những trận càn. Cái rẻo đất bờ Nam sông Bến Hải này như cái gai chọc vào mắt, bọn chúng quyết tâm “ tát cạn nước mà bắt cá”, pháo hạm, bom na pan cày đi xát lại khiến một làng quê trù phú giờ thành bãi chiến đổ nát, những gốc mít cổ thụ, những căn nhà rường chạm trổ tinh xảo bốc cháy ngùn ngụt, tiếng người khóc, tiếng chửi rủa lũ giặc trời inh ỏi. Cả nhà bà Bường bị bốc lên trực thăng dồn vào Chi khu quân sự may dì thoát được, dì sụt sịt nhặt nhạnh mấy cái soong bị bom méo mó nằm vương vãi…
 
Có lệnh sơ tán, già trẻ, lớn bé bồng bế nhau chạy loạn xạ như ong vỡ tổ. Mẹ ôm con gà đi trước bà và dì quẩy quang gánh đi sau, khi gặp máy bay đánh tọa độ dì nằm đè lên che chở, có lẽ vì vậy mà mẹ càng thương dì hơn, bốn mươi năm còn khắc khoải khôn nguôi… Ngoài vùng sơ tán hạnh phúc đến với dì cũng thật giản đơn, chú là người địa phương, tận tình tốt bụng, cảm mến tấm lòng thơm thảo của đồng bào các cấp chính quyền và đoàn thể vận động, tác hợp, nói Đoàn thể cho oai nhưng kỳ thực cả đội chỉ mình ông đội trưởng sản xuất kiêm nhiệm hết, cái ông răng vẩu ám khói thuốc, quần xăn móng lợn, lúc nào cũng oang oang “ biến đau thương thành hành động - tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đám cưới theo nếp sống mới đơn giản nhưng hạnh phúc, bà con đến dự rất đông, ông đội trưởng thay mặt Chi đoàn thanh niên đến dự và tặng phẩm là chiếc nón trắng tinh có quai nhung mua tận dưới phố huyện… Dì quý chiếc nón lắm, lúc nào cũng treo trên vách như một kỷ vật chỉ khi nào có việc quan trọng dì mới đội, cưới nhau được hai tháng thì chú lên đường đi B dì lại càng quý hơn, ban ngày làm đồng khuây khỏa còn đỡ đêm về nỗi nhớ lại dâng trào những lúc ấy dì lại lấy chiếc nón xuống ngắm nghía, chèn lại mấy sợi gấc thừa ra.
 
Năm bảy mốt chiến cuộc ngày càng ác liệt, lệnh tổng động viên, sinh viên các trường Đại học cũng xếp bút nghiên lên đường, các bà mẹ có con nhỏ cũng gửi lại vào Nam phục vụ chiến đấu, dì hăng hái xung phong đầu tiên, dì nói còn trẻ phải góp công giải phóng quê hương nhưng thẳm sâu trong lòng dì là chút hy vọng mong manh biết đâu có thể gặp chú trên nẻo đường hành quân… Những bức thư từ chiến trường dì gửi về bao giờ cũng viết rất dài dì kể về cái Tết ở vùng giáp ranh không có pháo, không có mứt kẹo mà chỉ có những màn hỏa châu và pháo sáng rực trời bọn địch soi cho đón giao thừa, bánh mứt được thay bằng mớ đồ hộp chiến lợi phẩm. Cuối thư bao giờ dì cũng nhắc mẹ lấy cái nón trắng mà đội, chiến tranh còn dài lắm không biết ngày chiến thắng dì có trở về mà đội được nữa không để nó cũ đi phí lắm… Nghe mẹ kể đến đây bỗng dưng tôi bật khóc… Dì hy sinh trong những ngày đầu địch tái chiếm Thành cổ, cả đơn vị lãnh trọn loạt bom B52 không còn sợi tóc, giấy báo tử về mẹ khóc cạn nước mắt rồi thành lệ cứ đến chiều ba mươi Tết mẹ lại làm mâm cơm cúng dì và hóa cho dì cái nón mới…
 

Thời khắc giao thừa đã điểm, tiếng pháo mỗi lúc một râm ran của những gia đình tất niên muộn, mùi hương trầm mỗi lúc một ngào ngạt cuồn cuộn trong cơn gió chiều cuố năm khiến lòng người bâng khuâng thổn thức… Không hiểu ở bên kia dì có nhận được quà không mà nhìn mẹ vui lắm, có lẽ mẹ đang trở về ký ức dù trong chốc lát thôi nhưng cũng đã đủ, ngoài kia trên những chồi non hình như mùa Xuân đang dìu dịu đi về.

Sưu tầm




Qua Tang Online