Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Bạn cần biết

Quy tắc ăn uống kính trên nhường dưới của người Hàn

Đăng lúc 20:05 ngày 19/12/2014
Photo
Khi bắt đầu bữa ăn, bạn phải đợi người lớn tuổi nhất nâng đũa, thìa trước.
 
Một trong những đặc điểm lớn nhất của văn hóa Hàn Quốc chính là phép tắc trên dưới. Người Hàn cực kỳ coi trọng thứ bậc trong xã hội, và cũng giống như việc coi trọng kính ngữ, một khi đã ngồi vào bàn ăn của người Hàn thì bạn phải nhớ một loạt những quy tắc "kính trên nhường dưới". Cho đến tận ngày nay, vẫn còn rất nhiều người Hàn Quốc chú trọng tới những quy tắc ứng xử trong khi dùng bữa. Có rất nhiều điều có và không cần phải ghi nhớ. Danh sách dưới đây là một bản chỉ dẫn hữu ích để giúp chúng ta hiểu thêm về văn hóa ẩm thực của xứ sở kim chi.


Một khi đã ngồi vào bàn ăn của người Hàn thì bạn phải nhớ một loạt những quy tắc "kính trên nhường dưới". Ảnh: wiki.

1. Chờ cho tới khi được ngồi: Sau khi người lớn tuổi nhất đã ngồi xuống.

2. Trước khi bắt đầu ăn: Sẽ rất lịch sự nếu bạn nói bạn đang mong đợi bữa ăn, đặc biệt là khi ở nhà người khác. Ở Hàn Quốc, trước khi ăn mọi người thường nói Jalmukesumneda, có nghĩa là tôi sẽ ăn hết mình.

3. Bắt đầu ăn: Đợi người lớn tuổi nhất nâng đũa, thìa trước.

4. Trong suốt bữa ăn: Đừng bao giờ khoác lác trên bàn ăn.

5. Đừng ăn quá vội hay quá lâu la: Ăn cùng tốc độ với mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi nhất.

6. Bát cơm và canh: Khác với hai quốc gia láng giềng là Trung Quốc và Nhật Bản, người Hàn Quốc không có thói quen bưng bát cơm và canh trong bữa ăn.

7. Không chấm 2 lần: Bữa ăn Hàn có rất nhiều món phụ ăn chung, vì thế đừng chấm lại món ăn khi đã cho vào bát.

8. Rót đồ uống: Người trẻ tuổi luôn phải mời rượu người lớn tuổi trước, và khi người lớn tuổi chuyền ly cho người trẻ tuổi, họ phải nhận bằng hai tay và quay mặt đi chỗ khác để uống. Điều này được coi là phép lịch sự và lễ độ cơ bản nhất trong ăn uống ở Hàn.

9. Mời rượu: Sẽ là bất lịch sự khi từ chối lời mời rượu của người khác, đặc biệt là từ người lớn tuổi hơn mình.

10. Nhận thức ăn hay đồ uống: Khi bậc tiền bối rót đồ uống hay gắp thức ăn cho bạn, giữ cốc và bát bằng cả hai tay.

11. Vị trí trên bàn ăn: Khi ăn không được cắm đũa vào bát cơm vì người Hàn Quốc coi đó là cơm cúng. Sau khi dùng bữa xong xuôi, đặt lại toàn bộ đũa thìa trên bàn ăn.

12. Không lãng phí đồ ăn: Sau khi ăn người Hàn Quốc thường không bỏ đi thức ăn thừa mà cất cẩn thận để hôm sau dùng tiếp. Ngày xưa, người Hàn còn rất khó khăn, vì vậy họ đã hình thành tính tiết kiệm. Mặt khác, vì người Hàn thường ăn sáng ở nhà nên thức ăn còn lại hôm trước thường để ăn sáng hôm sau.


Bàn ăn của người Hàn Quốc có thể lên tới 12 món. Ảnh: seoulistic.

Trên bàn ăn của người Hàn Quốc bao giờ cũng có cơm ăn kèm với món canh có nhiều bột nấu với thịt, rau, củ, quả, chén tương và kim chi. Ngoài ra còn có các món ăn được làm từ thịt và rau như thịt lát, rau sống trộn, dưa chuột muối, mắm tôm tép… Dù số món ăn có tăng nhưng nguyên liệu và phương pháp nấu ăn vẫn không bị trùng lặp. Tùy theo số món ăn mà có 3 đĩa, 5 đĩa, 7 đĩa, 9 đĩa, có khi lên đến 12 đĩa được bày ra trên bàn ăn. Khi dọn bàn ăn, người Hàn Quốc luôn đặt cơm và canh lên trước, canh được đặt bên phải cơm, sau đó đặt thức ăn rồi món chấm sẽ được đặt ở giữa, món ăn nóng và thịt đặt bên phải, món ăn lạnh được làm từ rau đặt bên trái.

Khi ăn uống, người Hàn Quốc thường ngồi xếp bằng quây quần bên nhau. Đồ dùng của bữa ăn là đũa và thìa, đũa Hàn Quốc nhỏ hơn đũa Việt Nam, thìa là thìa cà phê, thường được làm bằng kim loại. Người Hàn Quốc cũng rất coi trọng truyền thống khi ăn uống. Phải ngồi ngay ngắn trong trang phục gọn gàng.

Vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, người Hàn Quốc thường tập trung vào làm kim chi để phục vụ cho cả mùa đông dài. Cho tới vài thập kỷ trước, kim chi thường được trữ trong các vại to được chôn dưới đất để giữ nguyên mùi vị. Trong cuộc sống hiện đại, để đáp ứng nhu cầu của những người không có thời gian làm kim chi, Hàn Quốc có hàng trăm nhà máy sản xuất kim chi, mỗi nhà máy sản xuất hơn 20 loại kim chi. Kim chi không chỉ bán trong nước mà còn được xuất khẩu sang Nhật, Trung Quốc, Mỹ… Kim chi được dùng nhiều trong năm mới, nhất là với doanh nhân, vì họ quan niệm rằng ăn kim chi sẽ mang lại điềm lành.

Theo Trần Quỳnh (theo SMU)
Nguồn: Ngoisao.net



Qua Tang Online