Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Bản sắc văn hóa trong ăn uống

Đăng lúc 11:56 ngày 28/09/2006
Photo
Sau ngày đất nước thống nhất, ở ta, các trường du lịch, các trung tâm dạy nghề, các trường đại học, cao đẳng sư phạm đều có khoa dạy nấu ăn, các trường trung học phổ thông, nhà văn hóa phụ nữ cũng có môn dạy nấu ăn.
 


Hàng ngày người lao động lại vào bếp, làm ra những món ăn ngon để giữ gìn gia phong. Ngày tết Nguyên đán, nhiều kiều bào qúa nhớ quê, nhớ nhà, nhớ mâm cỗ cúng tổ tiên mà cùng gia đình hồi hương. Hàng triệu người Việt sống xa xứ vẫn hoài niệm "Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương". Không ít người nhớ đến nao lòng hương vị phở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì, các lóc nướng trui, chè Huế, nem lụi, mắm cá thu… đã vượt qua hàng vạn dặm trở về. Thậm chí có một nhà báo Việt kiều mỗi lần về nước là rong ruổi khắp từ Nam ra Bắc để lùng sục các món ăn từ cái ngày "khi xưa ta bé". Ông còn dự dịnh viết hẳn một cuốn sách với tựa đề "sống để mà ăn" kể về niềm vui khi thưởng thức những món ăn truyền thống như: Bún chả, bánh cuốn, phở, bún bò Huế… theo ông là những món ngon nhất trần đời ở đất Việt.

Bởi mỗi món ăn mang theo bao hình ảnh về mái nhà tranh, cây đa, lũy tre làng, ao chuôm, giếng nước, tiếng chày giã gạo trong ký ức xa xôi như dòng chảy ùa về. Đó là lý do mà nhiều nhà kinh doanh ăn uống đã đặt tên cho nhà hàng của mình những cái tên gợi bao hình ảnh sinh động trong tâm khảm như: Làng nướng, Phố nướng, Bánh tôm Cổ ngư, Phố xưa, Phố cổ, Vườn dừa, Vườn xanh, Cơm niêu, Khu du lịch Bình Quới - quận Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh chuyên phục vụ trên 70 món ăn từ thời khẩn hoang trong một khu vườn rậm xanh mướt bên dòng kênh quanh co.

Khách sạn 4 sao Bông Sen TP Hồ Chí Minh, Nhà hàng Cung đình khách sạn Rex với nhiều món ăn cổ xưa của miệt vườn Nam Bộ, Huế, Hà Nội… Từ lâu đời, ăn đã đi vào ca dao Việt Nam, chỉ nghe : "Con gà cụ tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng khóc ngồi. Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng", là ai cũng biết thực phẩm nào có gia vị nấu kèm theo là thứ gì. Kinh nghiệm trồng trọt: "Hoa bí đỏ ngoài, hoa cau trắng xóa, muốn được ăn quả, xin chớ ngắt hoa”. Ai về nhắn chị em nhà, muốn cho hoa tốt liệu mà bón phân".

Và kinh nghiệm chăn nuối: “Nuôi gà phải chọn giống gà, gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau. Nhất to là giống gà nâu, lông dày thịt béo về sau đẻ nhiều” Ăn trong đời sống hôm nay đã trở thành sứ giả trên các bàn tiệc chiêu đãi của quốc gia, trong các lễ hội ẩm thực ở nước ngoài do các chuyên gia nấu ăn Việt Nam tự đi tiếp thị. Món ăn Việt Nam đã được du khách trên thế giới đặc biệt yêu thích với nhiều lý do: Nhiều rau, thực phẩm ít béo, không sử dụng màu thực phẩm mà sử dụng màu tự nhiên từ rau, quả, củ. Khi ăn chỉ thấy no nhưng không ngán, ngấy.

Khi thưởng thức những món ăn người ta có thể cảm nhận được nét văn hóa, chân tâm, tình cảm của người chế biến ra nó, còn có thể cảm nhận sự phát triển văn hóa ăn uống của quốc gia ấy như thế nào. Không ít du khách quốc tế nhiều lần trở lại Việt Nam rất mê các món nem cua, bánh xèo, cá tai tượng chiên cuốn bánh tráng, gỏi, xôi chiên phồng… Nhiều người Việt Nam đã thành danh từ công việc đầu bếp, dạy nấu ăn, kinh doanh nhà hàng. Một số đầu bếp ngoại quốc cũng rất nổi tiếng từ nghệ thuật nấu các món ăn Việt Nam. Tại Mỹ, Pháp, Anh, Nga… Việt kiều mở các quán ăn Việt ở nước sở tại, và ở Nhật, Hàn Quốc chính người bản xứ mở nhà hàng bán phở Việt Nam.

Qua từng thời kỳ lịch sử, mỗi món ăn đều có những thay đổi, có ngôn ngữ riêng của nó. Chỉ cần quan sát những món ăn có thể biết món ấy từ thời nào và của vùng miền nào. Và, hôm nay, hơn bao giờ hết những chuyên gia nấu ăn, những giảng viên dạy nấu ăn, những đầu bếp chuyên nghiệp đều chung một mong ước là Nhà nước ta nhanh chóng cho thành lập "Viện Văn hóa nghệ thuật ăn uống dân gian quốc gia".

Đây sẽ là nơi tập trung nghiên cứu lịch sử và quá trình hình thành, phát triển văn hóa ăn uống qua từng thời kỳ của đất Việt, là bảo tàng của những phương tiện để sản xuất chế biến, bảo quản thức ăn đồ uống xưa nay, như: cối xay gạo, cối giã gạo, bồ đựng thóc, vó kéo tôm, đồ dùng để đơm bắt cá, giỏ đựng cua, dao, bếp, đũa, muổng, bát đĩa, mâm, nồi, xoong; là nơi diễn ra các cuộc hội thảo về văn hóa ăn uống của các nhà chuyên môn, là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, là nơi giao lưu với bạn bè quốc tế về văn hóa ăn uống.

Từ đây sẽ có những câu lạc bộ của những người yêu thích việc bếp núc, quan tâm đến sự phát triển phong cách ăn uống của đất nước. Cũng từ đây, việc quản lý văn hóa trong ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn sẽ có những quy định cụ thể về đầu tư, về chuyên môn nghiệp vụ, về phong cách phục vụ cũng như vệ sinh bếp núc và an toàn thực phẩm.

Hiện nay tại TP Hồ Chí Minh mới có "Câu lạc bộ đầu bếp chuyên nghiệp" của Hiệp Hội du lịch TP Hồ Chí Minh; tại Hà Nội có Câu lạc bộ "Những người yêu thích văn hóa nghệ thuật ăn uống" do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Ăn uống thành lập. Việc quảng bá văn hóa nghệ thuật ăn uống hiện nay của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Người ngoại quốc biết đến món ngon Việt Nam hầu như qua quá trình giao tiếp xã hội, qua các website cá nhân, website du lịch, chưa có website chính thức của quốc gia. Nếu chúng ta không làm tốt việc quảng bá văn hóa nghệ thuật ăn uống đất Việt một cách chuyên nghiệp và có hệ thống là chính chúng ta tự làm mất 50% cơ hội đón tiếp du khách quốc tế qua đường du lịch.


Qua Tang Online