Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Bạn cần biết

Để bé hiểu hơn về Tết Trung thu

Đăng lúc 23:48 ngày 09/09/2013

Ý nghĩa của những điều tạo nên tết Trung thu. Đằng sau chiếc bánh Trung thu, đèn lồng, Tiến sĩ giấy… là bao câu chuyện và tâm huyết của ông cha gìn giữ từ ngàn đời nay.


 

Ý nghĩa của những điều tạo nên tết Trung thu. Đằng sau chiếc bánh Trung thu, đèn lồng, Tiến sĩ giấy… là bao câu chuyện và tâm huyết của ông cha gìn giữ từ ngàn đời nay.

1. Bánh Trung thu

Người Việt hiện nay còn giữ được ít nhất hai lễ trong Rằm tháng Tám. Đó là lễ cúng trăng (trời đất) và Lễ cúng gia tiên. Cả hai lễ đều có những lễ vật tương tự như nhau: hoa, các loại quả, bánh nướng, bánh dẻo, rượu.
Ngoài những sản phẩm nông nghiệp là hoa quả, rượu, xôi, có hai loại bánh mà người Việt dành riêng cho lễ cúng Rằm tháng Tám là bánh dẻo và bánh nướng. Một loại tròn, một loại vuông, tượng trưng: Trời tròn, đất vuông. Đường kính của bánh dẻo tròn, để thể hiện hình dáng của vầng trăng thu lớn và trắng ngà trong biểu tượng của ý nghĩa “đoàn viên của gia đình” và nhất là tình yêu khắng khít vợ chồng.

Bánh trung thu được coi là biểu tượng của sự phúc lành, đoàn tụ
 
Khi phá cỗ người Việt tin rằng các loại lễ vật đều mang một ý nghĩa thiêng liêng, để tiếp thêm sức mạnh của trời đất, làm cho ta có đủ sức chống lại mọi khó khăn, thiên tai, thiên dịch. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.
 
2. Đèn lồng
Người Việt xưa không mấy khi dùng đèn lồng, trừ Rằm tháng Tám, người ta đua nhau làm đèn lồng, mua đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn con cóc (thiềm thử), đèn cá chép… Đó là những vật phẩm biểu trưng nhiều hàm ý.
Đèn con thỏ biểu hiện cho mặt trăng (ngọc thỏ). Đèn con cóc (thiềm thừ) biểu thị sự cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân trồng lúa nước theo điển tích “con cóc là cậu ông trời”. Đèn cá chép là bắt nguồn từ tích cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa rồng, với ý nguyện cầu mong cho nhân hòa, vật thịnh, con cháu học hành giỏi giang, tấn tới.
Những trò chơi dùng lửa hoặc ánh sáng như rước đèn ông sao, đèn lồng, đèn hình cá… vào đêm Trung thu hẳn không gì lộng lẫy và huyền ảo hơn. Đặc biệt nhất là đèn kéo quân (còn gọi là đèn cù). Khi ngọn nến được đốt lên, chong chóng quay, đèn cũng quay. Thế là các con vật tự nhiên chạy. Có lẽ từ cái trò chơi này, bài dân ca “Đèn cù” đã ra đời. Ông cha ta đã biết tận dụng luật đối lưu của không khí để tạo nên trò chơi thông minh và sinh động.
 
3. Ông Tiến sĩ giấy
Trong số tất cả những thứ đồ chơi của trẻ em ngày Trung Thu, ông Tiến sĩ giấy được đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả và đèn trang trí.
Ông Tiến sĩ giấy đủ bộ là có 3 ông, một ông chính ngồi giữa có ghế và lọng, hai ông nhỏ bên cạnh múa gậy để bảo vệ ông ngồi giữa. Ông Tiến sĩ giấy để bầy mâm ngũ quả cho trẻ vào rằm tháng Tám, đúng vào dịp đầu năm học.
Hình ảnh ông Tiến sĩ giấy, ông đánh gậy không chỉ là đồ chơi đơn thuần mà qua đó cha mẹ muốn gửi gắm mong ước, hy vọng món quà ý nghĩa này sẽ khuyến khích các em ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành hơn để có thể thành công, sớm đỗ đạt. Điều này thể hiện rất rõ tinh thần hiếu học, thượng võ, khuyến học khuyến tài của cha ông ta.
Sau khi phá cỗ xong, các em nhỏ thường đặt ông Tiến sĩ giấy ở góc bàn học để mỗi khi học bài, các em đều tự nhắc nhở mình phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn.
 
4. Mặt nạ – Đầu sư tử
Mỗi chiếc mặt nạ có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật hàm chứa cái đẹp sâu sắc trong mỹ học dân tộc. Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, khắc họa các nhân vật yêu thích như ông Địa, thằng Bờm… rồi đến đầu sư tử – thường được sử dụng trong các màn múa lân truyền thống.
Vào ngày Tết Trung thu, trẻ em và cả người lớn không thể nào “bỏ quên” tiếng trống rộn ràng trong điệu múa lân hòa cùng dòng người đi trên phố.
 
5. Múa sư tử (múa lân)
 
Một hoạt động không thể thiếu được trong phần hội của rằm tháng Tám đó là múa sư tử hay còn gọi là múa lân. Lân tượng trưng cho điềm lành. Lân là con vật đứng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng hoàng), là con vật thần thoại, thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng ở ngay giữa trán, lông trên lưng ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng. Tục truyền, lân là con vật hiền lành, chỉ có người tốt mới nhìn thấy nó được.
 
Người Việt dùng múa sư tử trong nhiều lễ hội với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Trong cơ cấu của đội múa gồm có 3 nhân vật: Sư tử, tráng sĩ, ông địa. Sư tử là biểu trưng của Trời (Thiên), còn Tráng sĩ là Nhân, ông Địa là Đất. Ba nhân vật không đối kháng mà luôn tạo ra sự phối hợp hài hòa, Thiên – Địa – Nhân hòa hợp là ước vọng sâu xa của cư dân lúa nước Việt Nam.
 
Với những người cho là múa lân thì lại có sự giải thích khác. Họ cho rằng Lân là con vật cực hiền (nhân thú). Con Lân chỉ xuất hiện khi thánh nhân ra đời hoặc thời thịnh trị. Cho nên, múa Lân trong ngày tết Trung thu là cầu mong cho vua sáng, tôi hiền, đất nước thái bình, hưng thịnh. Nó chẳng những thể hiện ở ý thức mà cả trong hành động.
 
6. Đón trăng
Tự bao đời nay, trung thu gắn liền với trăng, bởi vậy cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên khi tết trung thu bắt nguồn từ Tết trông trăng. Theo thần thoại, trước hết trăng là một vị nữ thần cô độc, thuộc về nữ giới, có rất nhiều quyền lực không kém gì thần mặt trời. Có lẽ vì thế mà chúng ta có hai loại lịch: Âm lịch và Dương lịch.
 
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
 
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, lễ hội Tết Trung Thu ở Việt Nam cũng có nhiều thay đổi theo thời gian. Song dù thay đổi thế nào thì cái “thần” của nó vẫn còn giữ được, đó là sự vui chơi hồn nhiên của trẻ em và sự quan tâm của mọi người đối với các em.
 
(Theo meyeucon.org)



Qua Tang Online