Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Nghề xưa giữ lại nếp nhà

Đăng lúc 13:51 ngày 15/09/2006
Photo
Những tấm bánh đặc chất Nam bộ như bánh ít, bánh canh... những chiếc áo dành cho hát bội, hát tuồng đang được người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long lưu giữ như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá nơi đây.
 


Từ những người dân hàng ngày say sưa giữ lại nghề truyền thống, ngành văn hoá đã tìm ra một cách bảo tồn những di sản văn hoá phi vật thể cho địa phương mình, đó là giúp họ để nghề không bị thất truyền. Cách làm này hiện đang hé mở một hướng đi thuận lợi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nghề làm bánh của làng cổ

Nhà bà Nguyễn Thị Xiềm (khu vực I, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Trà Nóc, quận Bình Thuỷ, TP. Cần Thơ) tuy đơn sơ, nhỏ bé nhưng lúc nào trong nhà cũng thoang thoảng hương thơm của các loại bánh ngọt mang đậm nét "nông thôn" mà từ bấy lâu nay, nhiều người dân "thành thị" đã dần dà ít có cơ hội thưởng thức hơn. Bà Xiềm năm nay đã 65 tuổi, hiện là một "nghệ nhân" ở địa phương này vẫn còn theo nghề truyền thống của làng cổ Long Tuyền xưa (nghề làm bánh ngọt). Bà Xiềm có thể làm các loại bánh ngọt nổi tiếng mang đậm nét Nam bộ như bánh cúng, bánh ít trần, bánh lá mít, bánh canh, bánh ú, bánh xèo, bánh khọt, bánh chuối, bánh gói, bánh bò, bánh da lợn, bánh mặn, bánh bèo, xôi nếp... và hàng chục các loại chè ngọt khác.

Bà Xiềm nói: "Ngày xưa, tôi được mẹ truyền nghề và tôi đã bám nghề này tròm trèm 20 năm rồi! Tôi đang truyền nghề này cho con dâu tôi để nghề làm bánh ngọt này không bị thất truyền". "Hàng ngày, ngoài những người ở đình, chùa, miếu thuê tôi làm bánh, tôi tự xay khoảng 2 lít bột gạo bằng cối đá xưa; bỏ tiền ra mua đường, đậu, dừa khô... để làm bánh bán"- bà Xiềm bộc bạch.

Tấm áo lưu giữ hồn quê

Bà Trần Thị Tâm (phường Trà Nóc, Bình Thuỷ) tham gia vào dự án bảo tồn văn hoá phi vật thể của ngành chức năng địa phương bằng nghề may. Gia đình bà vốn có nghề may truyền thống nên bà cũng phải theo nghề. Bà Tâm nói: "Hồi trẻ, tôi tham gia biểu diễn văn nghệ tại Cần Thơ, tự tay tôi may trang phục diễn cho mình... Dần dà, tôi may trang phục biểu diễn cho ca múa kịch và hát tuồng từ hơn 20 năm qua". Công việc chính của bà Tâm hiện nay là may đồ lễ dịp cúng đình, chùa, miếu trong vùng. Anh Huỳnh Xuân Nhựt cán bộ Phòng VHTT quận Bình Thuỷ, cho biết: "Bình Thuỷ đang hỗ trợ ba nghệ nhân để bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống văn hoá phi vật thể của làng cổ Long Tuyền xưa. Đó là bà Trần Thị Tâm chuyên may trang phục lễ hội, nghệ sĩ: bà Nguyễn Thị Ánh 20 năm trong ngành hát bội và bà Xiềm làm bánh!".

Đến thị trấn Bình Minh (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) hỏi nhà nghệ nhân Thanh Nhàn thì ai cũng biết. Gia đình ông Nhàn vốn dĩ nổi tiếng xưa nay về nghề hát bội và là gia đình cung cấp hàng trăm bộ trang phục cho nhiều đoàn hát bội ở miền Tây, Sài Gòn... Nghệ nhân Thanh Nhàn tên thật là Võ Công Khanh, năm nay 52 tuổi, ngụ tại ấp Đông Bình A, xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, là một thợ may áo tuồng cổ chuyên nghiệp. Ông Nhàn nói: "Gia đình bên nội, bên ngoại đều theo nghề hát bội. Những lúc hát nhiều, áo diễn bị rách ngay trên sân khấu, mua mới thì cũng khó vì phải lặn lội lên tận Sài Gòn. Từ đó, tôi tự học may và may áo hát tuồng, hát bội". Ông Nhàn mở tủ chỉ ra hàng loạt các loại trang phục trên sân khấu như trang phục Bao Công, vua chúa, kẻ nịnh thần... mỗi loại có kiểu cách khác nhau. Gần 20 năm qua, hàng trăm bộ trang phục hát bội được cung cấp cho khoảng 50 gánh hát bội trong vùng ĐBSCL: hay trên 100 bộ để ở nhà dành cho các đình, chùa, miếu thuê phục vụ lễ hội. Cứ khoảng sau Tết Nguyên đán, trong vùng có rất nhiều lễ hội nên thu nhập từ may trang phục, cho mướn cũng được lắm. Trung bình mỗi lần cho thuê, ông Nhàn thu khoảng 300.000 đồng. "Vấn đề là người dân còn theo nghề truyền thống để giữ gìn mãi những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc" ông Nhàn tâm sự.

Không riêng gì Vĩnh Long hay Cần Thơ, cơ quan chức năng các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nên nghiên cứu lập dự án bảo tồn và kết hợp với ngành du lịch tổ chức khai thác các ngành nghề truyền thống để giữ mãi bản sắc văn hoá dân tộc mang đậm chất Nam bộ này.


Qua Tang Online