Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Ăn bốc

Đăng lúc 08:13 ngày 20/09/2006
Photo
Chuyện Ba Giai -Tú Xuất kể rằng một hôm chàng Ba Giai muốn lỡm cô hàng có tiếng chua ngoa, đanh đá. Anh ta cởi trần, mặc chiếc quần lá tọa, lấy cạp quần làm dây rút luôn, loại quần ngày xưa nông dân nam nay mặc. Ba Giai đến trứơc hàng cô gái, xòe hai bàn tay ra mua ít mắm tôm.
 


Anh ta bảo cô cứ múc mắm tôm đổ cho đầy hai bàn tay là được, không cần bát đĩa, cũng không cần đùm bằng lá chuối, lá khoai. Múc xong mắm tôm, anh ta cứ như sực nhớ, bảo cô hàng rằng tiền anh ta giắt trong cạp quần lá tọa, nhờ cô lấy hộ. Cô hàng tưởng thật, cởi cạp quần của anh để lấy tiền, không ngờ, vừa cởi nút thì chiếc quần tụt xuống. Ba Giai giơ hai tay đầy mắm tôm, đứng như phỗng, cứ thỗn thện như thế, Ba Giai bắt đền cô hàng khiến cô ngượng quá, chạy mất luôn…

Kiểu đùa này hơi nhả, kém văn hóa, khó chấp nhận trong cách đối nhân xử thế.

Nhưng nhớ đến nó để nhớ sang một điều khác. Thức ăn và bàn tay. Nhiều nước, ăn bằng những dụng cụ , tạm gọi là “thực cụ” khác nhau, dao, đĩa, muỗng, thìa, đũa,… Mấy nước Nam Á như Ấn Độ có thói quen ăn bốc. Còn ta, đôi đũa, chiếc bát sâu là vật dụng quen thuộc hằng ngày từ vạn năm nay. Ăn uống mà “bốc bải” là bị chê ngay. Phải xúc bằng muỗng, húp bằng bát, gắp bằng đũa…thông lệ là như thế.

Có nhiều món ăn bắt buộc phải dùng đôi đũa, cái thìa. Ví dụ xáo măng, xáo chó, miếng cá rán, khúc giồi, miếng bit-tết… miếng đậu ráng chấm mắm tôm loãng đã đánh kem sủi bọt…

Nhưng còn có thể có món nào không cần dùng đĩa thìa mà chỉ “sai năm quân” không? Và nếu ăn bốc như thế có bị cười chê là không biết ứng xử, vô lễ, thiếu văn hóa hay không? Có thể và cũng chưa chắc. Phải tùy từng hoàn cảnh và tùy từng món ăn, thêm nữa tùy tính người và phong tục…

Ăn món mộc tồn, miếng nhựa mận chắc không thể bốc bằng tay, nhưng trên mặt bàn kia, đĩa rau thơm mát rượi còn lấp lánh nước và ướt át, hứa hẹn cảm giác tươi tắn, ta dùng mấy ngón tay, nhón một ngọn rau húng hay rau nhổn đưa lên miệng mà cắn mà nhai mà nhâm nhi… chắc chắn nó ngon gấp bao nhiêu lần cầm đũa mà gấp rồi bỏ vào bát mới ăn. Hơn thế nữa có ông Tây quá vệ sinh, còn lấy dao đĩa mà cắt ngọn rau ấy thì quả là “không còn gì để nói” về nghệ thuật ăn uống của người phương Đông chúng ta.

Nhiều bữa cổ có đĩa xôi thật ngon, có thể là xôi hoa cau, xôi đỗ xanh, xôi gấc… có rất nhiều ngừơi đặt đôi đũa xuống, dùng năm ngón tay bốc một nắm, cho xôi vào lòng bàn tay nắm chim chim rồi mới đưa lên miệng. Ngon hay không ngon? Trái mắt hay đó là cách ăn khôn ngoan nhất? Tục ngữ có câu:

Thịt gà, cơm nếp, đàn bà
Cả ba thứ ấy đều là dùng tay…

Kinh nghiệm từ bao nhiêu thế kỷ đâu phải trò đùa. Ăn xôi hay cơm nếp chim chim như thế cũng như ăn thịt gà, thịt chim quay nhiều ngừơi có thói quen dùng tay, ăn bốc, mà không cần dùng thìa, đũa. Còn cái thứ ba dùng tay kia thì khỏi phải nói, ai cũng biết. Trong mâm cỗ, ăn xôi kiểu chim chim như thế, cứ như một lẽ tự nhiên, không thấy ai chê trách bao giờ, và một người và cả sáu người đều như thế. Hoàn toàn vui vẻ.

Nắm lạc rang trên đường phố, đĩa lạc rang trong quán bia hay lạc rang trong bữa chả cá…chắc chắn không ai dùng đũa gắp từng viên một, mà cứ phải bốc nó lên, thổi phù cái vỏ lụa rồi ngửa cổ thả nó vào đầu lưỡi …hình như ăn kiểu đó mới thẩm thấu được món ăn ngọc thực vào làn da, ánh mắt, hơi thở, chứ không chỉ có nhai và nuốt.

Đôi khi ta còn gặp ở cổng chợ quê mấy cô gái đi chợ, buôn vặt hoặc lam lũ, các cô ngả nón ra ngay bãi cỏ, ăn món quà bún chấm mắm tôm ( chẳng có đậu ráng đậu nướng gì đâu). Mắm tôm đựng trong tàu lá chuối, bún đựng trong mê nón. Các cô bốc bún, chấm mắm tôm, ngửa cổ mà ăn, hoàn toàn ăn bốc. Bình dị, giản đơn, chẳng xấu hổ, không sợ ai cừơi. Ăn xong, các cô mới đi tìm giếng nước để xin nước rửa tay... Đố cô gái tiểu thư thành thị nào dám ăn kiểu đó, nhất là món mắm.


Qua Tang Online