Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Món ngày hè

16 bài cháo thuốc mùa hè

Đăng lúc 10:00 ngày 20/03/2007
Photo
Mùa hè nóng, mồ hôi ra nhiều, nên ăn thêm cháo để bổ sung thêm lượng nước cơ thể và có thể bảo vệ dạ dày. Nếu thêm một số vị thuốc để nấu cháo thì hiệu quả càng cao. Dưới đây là 16 bài thuốc dùng cho mùa hè.
 


1. Cháo đậu cô ve: Lấy 50g hạt đậu cô ve khô ngâm kỹ ninh nhừ rồi nấu cháo với gạo. Công năng: thanh nhiệt, giải cảm, bổ tỳ chống chảy, rất thích hợp đối với người tiêu hóa kém, yếu dạ dày.

2. Cháo lá sen: Lấy cọng lá sen sao lên ép lấy nước, lọc kỹ rồi nấu với gạo thành cháo. Công năng: giải nhiệt, chống lạnh, ấm tỳ, trợ tiêu hóa, giảm huyết áp, đặc biệt rất tốt với trẻ em.

3. Cháo bạc hà: Nấu 150g cháo gạo, rồi cho vào 100g bạc hà tươi hoặc 20g bạc hà khô nấu thành cháo đặc, cho một ít đường rồi trộn đều. Chống cảm nắng, đầu nhức, hoa mắt, viêm họng.

4. Cháo bách hợp: Dùng 200g gạo va 100g bách hợp vo sạch rồi nấu thành cháo. Loại cháo này có tác dụng đối với người bị bệnh phổi, viêm khí quản mãn tính, yếu thần kinh.

5. Cháo hoa cúc: Dùng 15g hoa cúc, rửa sạch cho vào 200g gạo nấu thành cháo thật nhừ. Khi cháo chín cho thêm đường phèn. Mùa hè dùng cháo này có thể chống cảm lạnh, cảm nắng, hỗ trợ tim, giảm huyết áp cao.

6. Cháo đỗ xanh: Đỗ xanh 100g, gạo 100g. Tác dụng giải nhiệt, trừ độc, trừ cảm, có tác dụng chữa vết thương sưng tấy vì nhiễm độc.

7. Cháo đỗ đỏ: 100g đỗ đỏ, thêm 500g gạo nấu thành cháo. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ cảm, lợi tiểu.

8. Cháo cây hoắc hương: Hoắc hương 15g rửa sạch nấu trước 5 phút, để riêng dùng sau. 100g gạo nếp, nấu nhỏ lửa đến khi chín nhừ rồi cho nước hoắc hương vào nấu cùng là được. Tác dụng giải cảm, chống nôn ọe.

9. Cháo nhân ý dĩ: Tỷ lệ ý dĩ và gạo là 1/2, đun lẫn với nhau nhừ thành cháo, cho thêm chút muối ăn hoặc gia vị là được. Loại cháo này khỏe tỳ vị, mát, chống sưng tấy, huyết áp thấp và phong thấp.

10. Cháo dưa chuột: Chọn dưa non tươi, tỷ lệ với gạo là 2/1, gọt vỏ, bỏ ruột rồi thái lát mỏng, đợi cháo gạo nhừ cho dưa chuột vào nấu tiếp, thêm chút muối ăn. Dùng cho người: cảm nắng, nôn ọe, mồm đắng, nóng ruột, nóng gan.

11. Cháo dưa hấu: 500g dưa hấu bỏ hạt, thái lát nấu trước, 100g gạo nhừ thành cháo, rồi cho dưa hấu vào đảo vài lần là được. Cháo này dễ ăn, giải nhiệt, hỗ trợ sự trao đổi chất, nhuận da, mịn da.

12. Cháo bí xanh: Bí xanh 250g, gọt vỏ bỏ ruột, thái lát, cho lượng gạo phù hợp, sau khi chín nhừ cho thêm đường phèn. Cháo này lợi tiểu, thanh nhiệt, giảm đau đầu, trừ cảm, chống tức ngực, nước tiểu vàng.

13. Cháo ngó sen tươi: Ngó sen tươi 150g, gạo nếp 100g. Cùng nấu thành cháo, thêm đường trắng. Loại cháo này bổ tỳ, vị, trợ tiêu hóa, dưỡng khí, ăn ít, tiêu hóa khó, mệt mỏi, mất ngủ.

14. Cháo mướp: Mướp quả 250g, gọt vỏ, cắt miếng. Gạo 100g, cho ít nước nấu thành cháo; vì mướp ra nước; khi gạo nhừ cho mướp vào nấu đều là được. Loại cháo này thơm, nhuận tràng dễ ăn, giải khát, bổ sung nước cho cơ thể, thanh nhiệt giải độc, tiêu đờm.

15. Cháo táo tàu (Hồng tảo): Gạo nấu cháo nhừ, cho thêm 100-200g hồng tảo, loại cháo này dưỡng tỳ, vị, mát phổi, bổ ngũ tạng, suy nhược cơ thể. Có tác dụng nhất định cho việc chống thiếu máu, ho, phổi hư, viêm gan, cao huyết áp.

16. Cháo rau răng ngựa (cỏ sống đời): Dùng 50g rau răng ngựa rửa sạch, thái nhỏ, nấu với 100g gạo nếp, cháo nhừ thêm gia vị. Cháo này thanh nhiệt giải độc, chống lạnh máu, tấy xưng vết thương, mụn nhọt, đái dầm.


Qua Tang Online