Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Du lịch

Trường Sa tràn đầy năng lượng và nhựa sống

Đăng lúc 18:05 ngày 14/03/2014
Trở về từ Trường Sa, hai anh em họa sỹ Đặng Kông Ngoãn và Đặng Kông Ngoạn mang theo những cảm xúc thật khó quên; nhưng khác với nhiều người, họ chia sẻ cảm xúc của mình bằng một con đường thật đặc biệt, con đường của sắc màu hội họa.
 
Trở về từ Trường Sa, hai anh em họa sỹ Đặng Kông Ngoãn và Đặng Kông Ngoạn  mang theo những cảm xúc thật khó quên; nhưng khác với nhiều người, họ chia sẻ cảm xúc của mình bằng một con đường thật đặc biệt, con đường của sắc màu hội họa. 

Nhà báo – họa sỹ Đặng Kông Ngoạn tâm sự, sau chuyến thăm Trường Sa cùng đồng nghiệp Báo Nhân dân trở về, từ đó, hễ nghe tin bão về trên biển Đông anh lại có cảm giác bồn chồn không yên khi nghĩ đến các chiến sỹ và đồng bào đang sống nơi “đầu sóng ngọn gió”. Cảm giác này, lần đầu tiên anh có, bởi chuyến đi ấy là chuyến đi đầu tiên của anh tới Trường Sa. Không muốn để vuột mất xúc cảm ban đầu dồn nén và tươi mới, ngay khi vừa đặt chân lên bãi cát vàng của tổ quốc, hai anh em họa sỹ đã vội vã vẽ, vẽ và chỉ… vẽ.

Một Trường Sa bừng lên sức sống, đó là ánh sáng tinh thần toát ra từ gần 40 bức tranh khổ lớn (1m x 1,2m) của hai họa sỹ họ Đặng trong triển lãm “Trường Sa – Lũy thép – Quê hương”, đó cũng chính là cảm nhận sâu sắc của các tác giả trong suốt 12 ngày đêm hòa mình với cuộc sống của quân - dân trên 9 điểm đảo và 2 nhà giàn. Người họa sỹ không thể quên những khoảnh khắc thật đẹp khi đứng trên nhà giàn DK nhìn xuống mặt biển xanh ngắt bắt gặp những chú cá chuồn, cá heo tung mình trên mặt nước, những buổi chiều đứng trên bờ biển ngắm nhìn hoàng hôn buông dần xa xa, hay khi chứng kiến các chiến sỹ hăng say tập luyện, tăng gia sản xuất cũng như tình cảm thắm thiết giữa quân và dân trên đảo, giữa đất liền và Trường Sa… Tất cả đã đi vào tranh của họ một cách sống động và chân thực như một lẽ tự nhiên, ngay đến cả những chấm nhỏ khiêm nhường trên đảo như những hoa sen, hoa gạo, ngọn sóng xanh, nhà giàn, mái ngói đỏ ngôi chùa Song Tử Tây… cũng trở thành những điểm nhấn nổi bật. Nếu tranh Đặng Kông Ngoạn (Trưởng ban Bạn đọc Báo Nhân dân) mang tính thời sự, hừng hực khí thế, ghi lại những nét đặc trưng nhất của mỗi điểm đảo, thì tranh của họa sĩ Đặng Kông Ngoãn hướng vào những nét đẹp bình dị, sử dụng nét trầm, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng; họ bổ sung cho nhau tạo nên một Trường Sa chân thật, đa chiều và tràn đầy cảm xúc.

Những ngày trên đảo, hai anh em họa sỹ đã kịp ký họa rất nhiều bức chân dung chiến sỹ và tặng lại từng người. Đó thực sự là món quà ý nghĩa. Rời đảo, hai họa sỹ được tặng một món quà đặc biệt: cây bàng vuông nhỏ. Sau mấy tháng được nâng niu vun trồng, giờ cây bàng vuông đã trổ lá xanh tươi trong khuôn viên báo Nhân Dân, như một minh chứng lặng thầm cho sức sống Trường Sa.

Cảm hứng về Trường Sa còn tiếp nối ngập tràn khi họ đã trở về đất liền. Để vẽ lại Trường Sa, họ không chỉ nhìn vào ảnh chụp mà còn nhìn vào những mảng đậm sâu trong ký ức của mình, cứ thế họ vẽ và vẽ trong suốt hơn hai tháng quên ngủ quên ăn. Giọng họa sỹ - nhà báo Đặng Kông Ngoạn chùng xuống khi anh kể lại giây phút ngồi trên tàu đậu gần đảo Colin thắp hương vái vọng vào đảo Gạc Ma, nơi có 64 chiến sỹ Việt Nam đã anh dũng hi sinh trong lúc bảo vệ chủ quyền dân tộc. Lúc  đứng trên tàu vẽ đảo Colin, trong lòng anh trào lên nỗi xúc động xen lẫn niềm tự hào, vì thế không gian tranh cứ man mác buồn, dù anh đã cố gắng sử dụng nhiều sắc màu tươi sáng. Thế mới biết, sợi dây vô hình bền chặt nối giữa tác giả và tác phẩm luôn là những cảm xúc chân thực nhất mà người nghệ sỹ phải tự mình trải nghiệm.  

Xin khép lại bài viết này bằng lời chia sẻ của họa sỹ Đặng Kông Ngoãn: "Chúng tôi muốn cho mọi người biết Trường Sa là đây, cuộc sống là đây! Trường Sa có cây cối, chim muông, Trường Sa cũng có đời sống  sinh hoạt thường ngày, có các cháu học sinh và các cô giáo dạy học. Trường Sa với chúng tôi luôn tràn đầy năng lượng và nhựa sống".

 
Bookkhachsan.com - theo báo mạng



Qua Tang Online