Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Địa điểm mới

Cà phê vợt cổ giữa Sài Gòn hiện đại

Đăng lúc 21:02 ngày 29/12/2014
Photo
Chỉ một chiếc vợt vải và một siêu đất, người bán có thể tạo nên những ly cà phê đậm đà mang hương vị Sài Gòn xưa mà ít loại cà phê nào hiện nay sánh được.
 
Người Sài Gòn ngày nay đã quá quen thuộc với cà phê phin hay những loại hình cà phê ngoại nhập, nhưng ít ai biết rằng nơi đây vẫn tồn tại một loại cà phê rất riêng gọi là cà phê vợt - cái tên có vẻ lạ lẫm với những người trẻ nhưng lại khá quen thuộc với các bậc trung niên, lớn tuổi ở đây.


Ly cà phê vợt tuy nhỏ nhưng đủ để bạn nhâm nhi cả buổi sáng.

Cà phê vợt được đặt tên theo dụng cụ dùng để pha cà phê. Thay vì dùng phin, người ta dùng một chiếc vợt vải để lọc. Cách pha cà phê cũng công phu hơn so với cà phê phin. Để tạo ra được một ly cà phê vợt đậm đà hương vị thì phải trải qua nhiều công đoạn.

Thông thường, khi pha cà phê phin, bạn chỉ "ngâm" cà phê trong nước nóng rồi chờ cà phê nhỏ từng giọt xuống ly được đặt bên dưới và thưởng thức. Dòng nước nóng chỉ chảy qua bột cà phê trong phin một lượt duy nhất, do vậy vị cà phê phin sẽ không bao giờ đậm đặc bằng cà phê vợt, vì khi chế biến cà phê vợt, người ta luôn ngâm cà phê trong nước sôi cho đến lúc mang ra để khách nhâm nhi.

Một chiếc bếp than (hoặc củi) thường đặt vừa ba chiếc siêu đất (loại siêu sắc thuốc bắc) dùng để nấu cà phê. Người ta sử dụng siêu đất để nấu cà phê vì nó giữ độ nóng và mùi hương của cà phê rất tốt. Cà phê hạt xay nhuyễn được cho vào một chiếc vợt vải, sau đó nhúng vào siêu nước đang sôi sùng sục trên bếp. Người pha cà phê phải dùng muỗng khuấy liên tục để cà phê không bị đọng dưới đáy vợt. Bạn có thể nghe rõ tiếng sôi "ục ục" của siêu cà phê đậm đặc trên bếp lửa. Sau khi cà phê chín sẽ được chuyển sang siêu đất xa bếp lửa hơn để cà phê vừa sôi, vừa không bị trào nhưng luôn đảm bảo độ nóng cho đến khi có khách thưởng thức.


Cà phê vẫn sôi sùng sục trên bếp.

Cô Sương, chủ một quán cà phê vợt lâu đời ở Sài Gòn, cho biết thành phần quan trọng và cần chuẩn bị kĩ lưỡng nhất để chế biến một ly cà phê vợt thật ngon không phải cà phê mà là nước. Nước thủy cục (nước máy) có mùi, rất dễ làm thay đổi hương vị của ly cà phê. Chính vì vậy, nước dùng để pha cà phê phải để từ một đến hai ngày cho lắng cặn và bớt mùi rồi mới sử dụng. Khi nấu, phải đảm bảo nước luôn luôn sôi. Trước khi rót cà phê ra ly, phải trần sơ ly thủy tinh qua nước sôi để xua đi mùi nước máy sau khi rửa ly bám lại. Vì thế, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra sự khác biệt của một ly cà phê vợt và cà phê phin từ những giọt cà phê cho đến hương thơm của nó, đậm đà hơn, thơm ngon hơn.

Quán đầu tiên ở Sài Gòn bán cà phê vợt từ năm 1938 đã có một thời kỳ rất thịnh vượng. Qua bao thăng trầm, với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của xã hội, quá nhiều loại cà phê mới lạ du nhập vào Việt Nam làm cho giới trẻ dần quên mất loại cà phê này. Chính vì vậy, chỉ còn vài quán nằm khiêm tốn trong những con hẻm nhỏ hay bên lề đường. Thông thường một ly cà phê vợt có giá rất rẻ, từ 6.000 đến 10.000 đồng một ly. Vì thế nhiều người ngại chất lượng cà phê không được tốt nên không mấy ủng hộ. Những quán kinh doanh cà phê vợt thời nay đều vì hoài cổ, vì mong muốn giữ chút gì đó của Sài Gòn xưa. Thực khách cũng là khách quen mấy chục năm nay nên chủ quán rất giữ uy tín. Họ không dùng cà phê pha sẵn mà dùng cà phê hạt tự xay để có chất lượng tốt nhất. Những chiếc vợt và siêu đất được thay thường xuyên, nhưng do sử dụng nhiều lần trong ngày nên dễ bị bám màu cà phê. Vì vậy, bạn không cần phải lo lắng về chất lượng cà phê ở những quán nhỏ này.


Chiếc bếp nấu cà phê bị bám đen không phải do khói mà do cà phê trào từ siêu ra. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều thứ thay đổi nhưng chủ quán vẫn giữ chiếc bếp như một dấu ấn thời gian.

Buổi sớm tinh mơ nào đó, bạn hãy thử lang thang trên những con hẻm nhỏ Sài Gòn, tìm kiếm hương vị Sài Gòn xưa giữa một Sài Gòn ồn ào náo nhiệt để biết cảm giác vừa lạ vừa quen này nhé.

Theo Hà Văn
Nguồn: Ngoisao.net



Qua Tang Online