Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Đôi đũa theo người suốt đời

Đăng lúc 10:12 ngày 04/10/2006
Photo
Từ lúc sinh ra đến lúc về đất mẹ, sống trong trời đất mọi người đều ăn, mặc, ở (đời sống vật chất) học, nói, vẽ, viết (đời sống tinh thần). Trong cuộc sống, vợ chồng phải ở với nhau thành đôi, thành gia đình.
 


Cho nên từ xưa đã có câu về đẹp lứa đôi:

Đôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng.

Trong hôn nhân cần thận trọng: "Đôi ta kẻ thấp người cao. Như đôi đũa lệch so sao cho bằng". Thực ra người ta ăn bằng đũa tre là chính. Đũa ngọc nói cho đẹp vợ đẹp chồng, cho mỹ miều. Nhưng qua đó chúng ta thấy cả một quan niệm về âm dương cân bằng, cân đối, đắp đổi lần hối qua lại. Tục ngữ chỉ rõ:

Có âm dương, có vợ chồng
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

Nhưng đôi đũa tre mộc mạc dùng trong bữa cơm của người Việt Nam rất vệ sinh đã có tự bao giờ? Xin trích giai thoại thời Lý: Vua mời vị quốc sư vào đãi cơm, ngạc nhiên thấy sư bỏ qua các món chay, lại dùng đũa gắp món trứng rán, bèn hỏi tại sao. Quốc sư đáp ung dung: Tu tâm là chính, có bồi dưỡng mới tu dưỡng được bền. Xem thế đủ biết người Việt Nam ta đã có đũa ăn từ lâu đời. Ngay câu đố muốn được coi là có trước ca dao cũng khẳng định:

Năm ông cầm hai cái sào,
Đuổi đàn cò trắng bay vào trong hang.

Có nghĩa là: Bàn tay năm ngón cầm đôi đũa và cơm vào miệng. Tất nhiên ăn bằng đôi đũa, kể cả đũa cả đơm xới cơm cũng là một đôi, trừ đũa cả quấy cám lợn.

Khi thề độc, người xưa còn bẻ gãy đũa để thề, lấy đũa làm minh chứng thiêng liêng. Thậm chí khi chết đi, còn có đội đũa bông cắm lên quả trứng, bát cơm đặt lên áo quan tiễn người về nơi an nghỉ cuối cùng. Lúc này chỉ có một chiếc đũa thôi vì sống mỗi người mỗi nhà, già mỗi người mỗi mồ.Trong sinh hoạt, cư xử, đũa cũng được dùng để nhắc về nếp sống văn hóa. Không được "vơ đũa cả nắm" tức là không được cư xử hồ đồ, không phân biệt được người tốt người xấu, cái sai cái đúng. Phải so đũa trước khi ăn phải xếp đầu to với đầu to, đầu nhỏ với đầu nhỏ và đôi đũa phải bằng nhau không so le, không ăn đũa vênh khó gắp (vợ dại không hại bằng đũa vênh). Về đường ăn ý ở phải chu đáo, nói năng khúc triết "Đến đầu đến đũa", chớ có đánh trống bỏ dùi. Ăn xong phải thu dọn bát đũa chớ để bát đũa rếch, chớ để đũa bát bẩn. Ăn cũng phải sạch bát sạch đũa cơm mới ngon. Chớ đua đòi ham hố nhố nhăng bắt chước không phải lối: Đũa mốc chòi mâm son.

Ôi đôi đũa, đôi vợ chồng hòa hợp gắn bó. Người Việt ăn bằng đũa tre, xỉa răng bằng tăm tre đều là sản vật quê nhà, rất sạch sẽ, thuận lợi. Hơn thế dân ta ăn rau nhiều không thể dùng thìa, dĩa. Ai lại dùng thìa "gắp" rau muống luộc, bắp cải luộc, rau gém! Lại càng không được ăn bốc, phải sử dụng thành thạo đôi đũa để và cơm, gắp thức ăn. Xem ra người Việt không chỉ dùng đôi đũa để ăn mà còn để nói về ăn theo nghĩa rộng. Qua đôi đũa ta thấy nhiều điều khuyên răn nhắn gửi về đạo lý sống của con người Việt Nam, về quan niệm sống, về quan hệ âm dương hòa hợp.


Qua Tang Online