Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Du lịch sinh thái - Ẩm thực vùng Đồng Tháp Mười

Đăng lúc 08:48 ngày 12/06/2007
Photo
Sau năm 1975, vùng trũng Đồng Tháp Mười vẫn còn là vùng đất hoang vu, mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng chọn quay bộ phim: Cánh đồng hoang của ông.
 


Từ đó, tên gọi Cánh đồng hoang Đồng Tháp trở thành vùng đất hẻo lánh giữ được vẻ thiên nhiên độc nhất vô nhị ở nước ta. Mênh mông vùng trũng nước sâu, đi đâu cũng chiếc xuồng với cây sào. Chống riết rồi tay ai cũng to bè. Thương những cô gái mới lớn, đôi tay nở ra, còn thanh niên trai tráng không biết lội bộ là gì.

Trên khắp cánh đồng hoang vương vãi vỏ đạn, mìn, chim vịt gọi nhau nghe thảm thiết, quạ bay đen trời. Sợ nhất vào những đêm trăng sáng, rắn hổ mang bò sáng ngời. Rắn hổ bướm đầy đất ai thấy cũng ớn lạnh. Còn muỗi ở xứ này khỏi phải nói tiếng kêu như sáo thổi, đông nghẹt như trấu.

Thế mà chỉ gần 20 năm thôi, đất hoang được đánh thức, năn lác nay đã thành đất thuộc, nhớ năm nào chỉ 2 tấn lúa/ha, bây giờ trồng hai vụ lúa năng suất tới 7 tấn/ha. Sự thành công này, ngoài ý chí kiên cường của nông dân còn có công lao của các nhà khoa học. Chinh phục được cánh đồng hoang là nhờ người yêu đất, nên đất đãi người. Cánh đồng hoang này xưa kia là hồ cá to rộng từng nuôi những người khai hoang mở cõi. Sự giàu có đó là nguồn lực nội sinh khiến cuộc sống giảm đi tẻ nhạt. Nhiều người cao niên kể lại, nhiều năm bị mất mùa lúa, ngày chỉ ăn một bữa cơm và bữa độn cá. Nhiều nhất là cá lóc, cá trê, cá rô. Tháo đìa bắt cá, làm khô, làm mắm dự trữ ăn dài dài. Cò, vạc, le le, sếu đầu đỏ từng bầy bay dàn hàng cây số trông vui mắt.

Đấy, vùng trũng Đồng Tháp Mười bây giờ trở thành khu bảo tồn đất ngập nước của thế giới. Cùng với sức người, mầm sống đã vươn lên. Vâng cánh đồng hoang, thành cánh đồng vàng mấy hồi lâu?

Nói đến du lịch sinh thái thì Đồng Tháp là nơi lý tưởng nhất. Do đặc điểm nguyên sinh hầu như được giữ nguyên vẹn, phong phú qua các mùa trong năm. Khu di tích Xẻo Quýt, khu du lịch Gáo Giồng, vườn Quốc gia Tràm Chim là 3 khu sinh thái trọng điểm nhất. Cùng có điểm chung là rừng tràm, nhưng diện mạo mỗi nơi có nét riêng, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách đến tham quan.

Xẻo Quýt cách thị xã Cao Lãnh non 30km cách quốc lộ 30 khoảng 6km, thuộc xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, có diện tích 50ha, trong đó gần 20ha là tràm trồng từ năm 1960, trước đây Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ an toàn nhất. Đặt chân đến đây, du khách sẽ thấy những đoạn đường còn giữ nguyên trạng “chiến khu xưa”, du khách được các nữ du kích áo bà ba đen khăn rằn quấn cổ, bơi xuồng ba lá đưa đi len lỏi giữa rừng tràm, tựa hồ cách di chuyển trong thời kháng chiến. Du khách sẽ bị sức hút của những cây tràm tuổi thọ gần 50, sừng sững vươn cao và còn tận mắt tham quan những di tích như Hội trường Tỉnh ủy, công sự chiến đấu, hầm bí mật, hầm tránh bom được bảo tồn nguyên vẹn. Rồi du khách có thể nằm trên những chiếc võng trong vườn bằng lăng hóng mát, hưởng không khí trong lành và thưởng thức những món ăn dân dã như ốc hấp sả, cơm vắt muối mè hoặc đi câu cá, săn rắn mối nấu cháo đậu xanh.

Sau Xẻo Quýt, du khách hãy đến Gáo Giồng cách thị xã Cao Lãnh độ 20km. Nơi đây chiếm diện tích khoảng 300ha rừng tràm trên 10 năm tuổi để phục vụ du lịch sinh thái. Đến đây, du khách có cơ hội lên đài cao 20 mét để quan sát toàn cảnh rừng tràm xanh um mút mắt, với một không gian thanh bình, yên ả, nhìn những thôn nữ chân đất với áo bà ba, nón lá, nhẹ nhàng đưa khách bằng xuồng ba lá luồn lách theo kênh rạch dưới rặng tràm mát rười rượi. Rồi du khách còn được tham quan Sân chim (diện tích 40ha) với nhiều loại chim, cò đa dạng, có loại nhan điển quý hiếm được đưa vào sách đỏ. Nơi đây, du khách tha hồ nhìn, ngắm thỏa thích, nghe chim hót líu lo… ru hồn về thời quá khứ xa xăm, gợi nhớ một thời gần gũi thiên nhiên xa rời khói bụi cơ khí. Nếu bao tử cảm thấy cồn cào, mời du khách thưởng thức các món ăn đậm đặc bản sắc Nam Bộ thời khẩn hoang: cá đồng, rau đồng, cá lóc nướng trui gói lá sen non, nhắm nháp ly rượu nếp pha mật ong tràm tại chỗ và nghe đờn ca tài tử hay câu hò Đồng Tháp để nhớ về thời mở cõi phương Nam.

“Ai ơi về miệt Tháp Mười
Cá tôm sẵn bắt… lúa trời sẵn ăn”

Còn một điểm dừng chân nữa mà du khách khó bỏ qua. Đó là vườn Quốc gia Tràm Chim. Nơi đây có diện tích gần 8.000ha (trong đó có gần 7.000ha được bảo vệ nghiêm ngặt) thuộc huyện Tam Nông, được xây dựng từ năm 1985. Đây được coi là mẫu hình Đồng Tháp thu hẹp cảnh quan thời nguyên sơ, được nhiều nước trên thế giới biết đến. Vườn Quốc gia Tràm Chim là thảm thực vật bao gồm đồng cỏ ngập nước theo mùa, rừng tràm tái sinh cùng với đầm lầy, có 5 quần thể cỏ dại, trong đó có loại năn ngọt, lúa trời, cần bảo tồn. Vườn Quốc gia Tràm Chim hiện có 200 loài chim thuộc 49 họ, 14 bộ, chiếm 24% tổng số loài, trên 60% tổng số họ và 80% tổng số bộ chim Việt Nam. Đáng quan tâm nhất là số lượng các quần thể chim nước lớn di trú trong suốt mùa Đông. Độc đáo là Sếu đầu đỏ (còn gọi Hạc) cùng số loài chim khác có khả năng tuyệt chủng trên toàn cầu như: điên điển, ô tác, giang sen… Song song đó, còn có trên 100 loài cá nước ngọt. Dùng tắc ráng (phương tiện tàu nhỏ) đi men theo kinh qua đoạn đường hằng 50 cây số, du khách có dịp quan sát nét đa dạng thực vật và động vật trong khu vườn.

Những cánh đồng lúa trời trải rộng chỉ có nơi đây còn duy trì. Mùa nước lên từ tháng 8 đến tháng 11 chỉ cần đi thưởng ngoạn các thứ của thiên nhiên hào phóng ban tặng: lúa trời, bông sen, bông súng, năn, lác, rong tảo, cùng các loại chim cò… đa dạng vô cùng. Khi nước rút cạn, lượng cá tôm, thực vật phong phú cũng là lúc chim muông trở về đây đông đảo để kiếm ăn, sinh sôi phát triển.


Qua Tang Online