Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Nghệ thuật sống

Ít đọc sách - nhiều điều cần suy gẫm!

Đăng lúc 16:04 ngày 26/08/2013

Cuộc hội thảo do www.sachhay.com tổ chức với chủ đề “Người Việt có mê đọc sách” đã gợi lên nhiều vấn đề đáng suy gẫm, từ thực trạng văn hóa đọc, đến chuyện giáo dục, xuất bản…


 
Một thời hoàng kim
 
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, sách và hành vi đọc là một trong những khám phá đẹp đẽ nhất và quan trọng nhất của con người. Làm sao có thể hình dung lịch sử văn minh của con người mà không có sách, không có hành vi đọc sách?  
 
Nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Xuân Xanh ví sách chính là “kho báu của nhân loại” và chúng ta không nên ngủ quên trên kho báu ấy. Còn TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS, cho rằng đọc là cách thu nhận thông tin quan trọng (nếu không nói là quan trọng nhất) của con người và một dân tộc không mê đọc sẽ không thể phát triển được, sẽ phải sống trong nghèo khổ và ngu dốt!. Cụ thể hơn, theo dịch giả Đinh Bá Anh, Viện Goethe Hà Nội, một dân tộc không ham đọc sách vẫn có thể sản sinh ra những nhà triệu phú nhưng dân tộc đó khó có thể sản sinh ra những nhà khoa học hoặc những nghệ sĩ xuất chúng. Dân tộc ấy cũng khó mà sản sinh ra những chính khách hoặc những doanh nhân tầm vóc lớn.
 
Nhà thơ Thanh Thảo kể, thời đánh Mỹ, trong ba lô của rất nhiều thanh niên miền Bắc lên đường ra trận đều có những cuốn sổ tay ghi chép thơ, văn xuôi. Cũng vào thời kỳ đó, theo PGS.TS Trần Hữu Tá, ở miền Bắc lượng in xuất bản mỗi đầu sách trung bình phải cỡ 5.000 bản. Bộ “Chiến tranh và hòa bình” của Leon Tolstoi, 2.400 trang, in tới 10 ngàn bản lần đầu. Nhiều tác phẩm như “Dấu chân người lính”, “Người mẹ cầm súng”… được tái bản nhiều lần.
 
Thực trạng buồn
 
 
Sách giữ vai trò quan trọng là thế và mới vài chục năm trước chúng ta có một nền văn hóa đọc phát triển đến như vậy. Còn bây giờ?
 
PGS.TS Trần Hữu Tá đưa ra con số mà theo ông là “thảm hại, bi đát và không thể chấp nhận được”: một người Việt Nam mỗi năm chỉ đọc 0,6 cuốn sách! Điều đáng nói là con số này trên thực tế có thể còn thấp hơn nữa vì ông Tá dựa vào số liệu thống kê đầu sách xuất bản của cả nước (xuất bản chừng ấy nhưng biết đâu số lượng mua về để đọc thấp hơn?).
 
Con số về một khảo sát “bỏ túi” đối với những người ở lứa tuổi 20-30 của ông Lý Trường Chiến, Giám đốc phía nam www.dantri.com.vn và tạp chí Trí Tri cũng không khỏi gây sốc: 70% chỉ học chứ không đọc tham khảo thêm; 12% có đọc sách, truyện ngoài chuyên môn; 80% không đọc sách trong một năm qua; 98% không đọc sách tuần qua và 100% nói gần như chẳng để ý đến thơ. Còn đây là kết quả quan sát của ông tại một phòng chờ sân bay có tất cả 50 người. Trong số đó, có 8 người nước ngoài thì có 4 người đang đọc sách; hơn 40 người Việt Nam thì chỉ có 3 người đọc báo, số còn lại lang thang chờ, ngủ, xem TV hay lơ đễnh…
 
Tình trạng đáng buồn nói trên xảy ra ngay cả đối với sinh viên, giới cần đọc sách nhiều nhất. Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Vân, Đại học Ngoại thương TP.HCM, thừa nhận mỗi khi cần kiến thức của một lĩnh vực nào đó, các sinh viên chỉ việc lên Google, gõ key word và nhấn enter là xong. Thông tin tìm được quá dễ nên sách bị cho ra… rìa. TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, kể trường này từng phải áp dụng biện pháp “cưỡng chế”, kể cả việc giúi sách vào tay để tạo cho sinh viên của mình có thói quen đọc tài liệu tham khảo.
 
Truy tìm “thủ phạm”

Ông Đại và hầu hết các ý kiến cho rằng nền giáo dục lạc hậu ngày nay là “thủ phạm” chính trong việc gây nên tình trạng đáng báo động nói trên. Nhưng không phải chỉ vì hệ thống giáo dục, theo nhiều ý kiến thừa nhận, chất lượng sách không cao hiện nay cũng là một trong những lý do khiến cho độc giả quay lưng với sách. TS Ngô Tự Lập, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng có hai mảng sách - sách dịch và sách trong nước - thì cả hai mảng đều yếu, thiếu và lệch lạc. Hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới, đặc biệt là sách triết học, chính trị học, kinh tế, ngôn ngữ, mỹ học… chưa hề được dịch ra tiếng Việt. Sách của các tác giả Việt Nam cũng chủ yếu về thơ, truyện, còn sách nghiên cứu có giá trị cực kỳ hiếm, chưa nói đến hiện tượng “đạo văn” đang xảy ra tràn lan.
 

 

Sở dĩ chưa có nhiều sách hay, theo nhà văn - dịch giả Lý Lan, xuất phát từ bất cập trong cơ chế xuất bản hiện nay. Nhà nước độc quyền nắm giữ khâu xuất bản trong khi người sáng tạo ra tác phẩm thì không có quyền đó (quyền thành lập nhà xuất bản tư nhân). Độc quyền vừa giết chết cạnh tranh, vừa tạo ra cả một cơ chế xin-cho, trung gian phức tạp, gây cản trở cho quá trình tạo sách và đưa sách đến với độc giả.      
 
Ở một góc độ khác, theo ông Lý Quý Trung, Giám đốc điều hành Nam An Group, tác giả bộ sách franchise (nhượng quyền thương mại), thì ở nước ta không có môi trường thuận lợi cho việc đọc sách. Trong khi đó hệ thống thư viện lại kém phát triển. Ông Trung đề nghị nên phát động một phong trào tài trợ để phát triển các thư viện mà có thể là bắt đầu từ cộng đồng doanh nhân. “Tôi tin là các doanh nghiệp sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, nhà nước nên có chính sách cho phép doanh nghiệp được trừ khoản tài trợ này vào chi phí để khuyến khích việc làm của họ”, ông Trung nói.  
 
Sưu tầm



Qua Tang Online