Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Phố bún bò cao nguyên

Đăng lúc 10:21 ngày 09/01/2007
Photo
Trong lòng thành phố suơng mù này có một con đường bán bún bò Huế, mà chính tay các o, các mệ người Huế chế biến. Đường Ánh Sáng nhưng nhà này có thể vói qua bắt tay nhà kia, lót bằng đá chẻ, chật chội, xe gắn máy phải lạng lách nhau để vượt qua.
 


Về nguồn gốc của con đường Ánh Sáng. Nguyên vào những năm 30 (thế kỷ 20), nhiều người Huế thuộc 2 làng Kế Môn (Phong Điền) và Phú Bài (Hương Thuỷ) do nhiều điều kiện khác nhau đã đến Đà Lạt lập nghiệp tại khu vực chợ Cây. Khởi đầu là những căn nhà che tạm, sinh sống chính bằng nghề trồng rau ở khu vực đất phía sau, nơi dòng nước thoát ra từ hồ Xuân Hương đi ngang trước khi đổ xuống thác Cam Ly.

Bún bò của Đà Lạt

Mãi đến năm 1952, khu vực chợ Cây mới được ông Cao Minh Hiệu, thị trưởng Đà Lạt lúc bấy giờ đặt tên: Ánh Sáng theo phong trào Ánh Sáng của nhóm Tự lực văn đoàn. Hiện ấp Ánh Sáng có trên 500 hộ dân gốc Huế, lần lần đã dựng lên một con phố lừng danh món thuần tuý Huế và pha chế cũng giống như bạn đang ăn một tô bún bò Huế ngay tại thành phố Huế. Dĩ nhiên là lẫn lộn trong con phố bún bò Huế cũng có vài món ăn lạ cho khách chọn lựa như mì Quảng, bún măng vịt, phở... nhưng hiếm. Còn món bún bò Huế thì lẫy lừng thành thương hiệu, mỗi hàng đều có cái tên riêng cho khách biết mà bước vào.

Do con đường nhỏ, nên vào buổi sáng hoặc sẩm chiều, khách muốn thưởng thức tô bún bò Huế do chính người Huế nấu phải tìm chỗ gởi chiếc xe, bởi mỗi quán chỉ có thể để được bốn chiếc là hết. Mỗi quán bún bò đã là một thương hiệu: Út Vân, O Hoà, O Quả, Dì Lan, Dì Luống, Dì Chi, Dì Bé, Cô Lộc... Có nghĩa, quán được đặt theo tên người chủ - cách rất Huế.

Phố nhưng quán bài trí như nhau, vài chiếc bàn, đất trống thì kê lấn ra ngoài cho khách ngồi. Và bạn có thể ghé bất cứ quán nào bạn thích, hoặc do thuận đường, thuận chỗ để xe, bởi chất lượng tô bún tại đường Ánh Sáng này giống nhau. Tựa như các bà chủ quán ở đây cùng xuất thân từ một lò nấu ăn.

Nước sông Hương hay nước hồ Xuân Hương

Cách chế biến tô bún bò là bí quyết riêng, mùi vị của tô bún, nước dùng khi đem ra cho khách, trong đêm Đà Lạt se lạnh khiến bụng cồn cào. Bàn chế biến ngay lối đi, khách có thể nhìn thấy thùng nước dùng đang sôi liu riu, tỏa thơm. Khách vào bàn ngồi có thể yêu cầu loại giò theo ý thích: giò nạc, giò khoanh, giò sụn ...

Tô bún bò Huế ở đây không cầu kỳ, màu nước dùng sóng sánh chút màu, ít hành lá rắc lên, tất nhiên không thể thiếu một miếng huyết chín. Những thứ tê môi trên bàn, một lọ ớt bột khô, một lọ ớt sim ngâm mắm cho khách vừa nêm theo khẩu vị của mình. Điểm khác với bún bò bán tại Huế là thiếu những trái ớt xanh sừng cong bày trên chiếc đĩa như thử sự chịu cay cùng thực khách. Tuy nhiên, chất lượng như ăn ở Huế. Khác chăng là tô bún lấy nước sông Hương chế biến, tô bún bò Đà Lạt lấy nước hồ Xuân Hương.

Sáng hay chiều, con đường mang tên Ánh Sáng ấy giờ đây thành "Con đường bún bò" - điểm dừng chân của người địa phương, khách du lịch, chen tìm một chổ ngồi của một o hay một dì nào đó.


Qua Tang Online