Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Thông tin thị trường

Thực phẩm an toàn: Chọn bằng niềm tin?

Đăng lúc 15:50 ngày 04/02/2010
Photo
Lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm đã trở nên khá phổ biến ở nước ta. Nhưng cách chọn thực phẩm an toàn hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào cảm quan và sự tin tưởng vào uy tín của nhà cung cấp.
 


Để cho sản phẩm trở nên bắt mắt, bảo quản được lâu hơn nhiều nhà sản xuất đã không ngần ngại sử dụng các loại hóa chất không được phép sử dụng trong các loại thực phẩm như: bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, tương ớt, bột ớt…

Thông tin trên đã được các nhà khoa học cùng chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề “Lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm”, được tổ chức sáng 29/1.

Theo Thạc sỹ Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm định thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), nguyên nhân chính của thực trạng trên là do sử dụng các loại hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu hiệu quả có thể nhìn thấy ngay, giá rẻ và lại được bán tràn lan trên thị trường.

Đối với chất bảo quản thường được thêm vào thực phẩm để ngăn ngừa hoặc làm chậm lại quá trình thối rữa, hư hỏng gây ra bởi sự phát triển của các vi sinh hay do các thay đổi không mong muốn về mặt hóa học.

Nhưng trên thực tế nhiều nhà sản xuất vì không trang bị quy trình sản xuất đủ đáp ứng, nguyên liệu không tốt, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm nên phải sử dụng nhiều các chất bảo quản để kéo dài thời gian chờ phân phối trên thị trường. Đây chính là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc đối với người tiêu dùng trong thời gian qua.

“Ngay cả việc sử dụng các chất bảo quản nằm trong danh mục cũng cần phải theo đúng quy định. Việc lạm dụng hoặc sử dụng tùy tiện sẽ đưa lại hậu quả khó lường”, Thạc sỹ Hảo cho hay.

Chính PGS. TS Phạm Công Thành, Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sau thu hoạch (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng phải thừa nhận các loại hóa chất bảo vệ thực vật không chỉ giúp loại trừ sâu bệnh, diệt cỏ dại mà còn làm cho các loại rau của quả được xanh, non tươi, mỡ màng hơn bình thường.

Tuy nhiên bằng mắt thường rất khó nhận biết. Thậm chí, đối với các phòng xét nghiệm của các bộ ngành lớn, nhiều loại thuốc trôi nổi từ nước ngoài đưa vào và người dân đang sử dụng cũng chưa thể nhận biết.

Do đó, theo TS. Thành, người tiêu dùng chỉ còn cách là chọn thực phẩm bằng cảm quan, kinh nghiệm của bản thân và mua hàng của những đơn vị lớn có thương hiệu trên thị trường.

Thạc sỹ Hảo cũng chỉ có thể “tư vấn”: không nên mua những sản phẩm có màu sắc quá sặc sỡ, lòe loẹt. Thêm vào đó, về quy định việc sử dụng các chất phụ gia vào thực phẩm và sử dụng liều lượng là bao nhiêu đều phải ghi rõ trên bao bì. Vì vậy, đối với các sản phẩm không có nhãn mác hoặc có mà không ghi rõ các nội dung này người tiêu dùng cần thận trọng.

Còn GS Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm (Vafost) thì cho rằng cần sớm ban hành Luật Thực phẩm với các chế tài đủ mạnh để các doanh nghiệp, cá nhân không dám tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu cũng nên chú ý hơn tới việc tạo ra những chế phẩm từ thiên nhiên an toàn đối với sức khỏe con người với giá cả hợp lý, cũng như sớm đưa các loại kít thử giúp phát hiện nhanh các trường hợp vi phạm ngay từ nơi sản xuất và các điểm phân phối.


Qua Tang Online