Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Cửa sổ tâm hồn

Vì thầy có chữ tâm…

Đăng lúc 17:07 ngày 14/11/2012

Bốn mươi năm đi dạy, thầy đã chắt chiu tìm nhặt lấy từng mầm non năng khiếu ở khắp trong Nam ngoài Bắc, để ươm trồng, để hi vọng, để bắc chiếc cầu cho đám trẻ vào đời. Ngẫm cho cùng, má tôi, một bà nông dân ít học, nhưng bằng linh cảm kỳ diệu của người phụ nữ, người mẹ, ngay từ buổi đầu đã nghĩ đúng về thầy: “Chỉ vì thầy có chữ tâm…”.


 

 Hai mươi năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm ấy. Một trưa Bình Định nắng ong ong, tôi cởi trần, người dẹp lép, vận độc cái quần đùi, đầu đội cái nón cà tàng, đang vật lộn với đôi bò trở chứng trên những sá cày ruộng mì khô khốc.

Nào “dí” nào “thá”, hết trái lại phải, hai con bò vàng đói bụng vẫn đứng trơ như trêu ngươi. Mồ hôi túa ròng ròng, roi mây quất đen đét, tôi trổ hết “nội công” để bừa cho xong khoảng ruộng cuối cùng, lòng chỉ lăm lăm lo sợ trễ buổi học chiều.

Đúng lúc đó, thầy xuất hiện. Một người đàn ông trung niên đeo kính cận dày cộp, đi theo má tôi ra ruộng. “Ông thầy này ở Qui Nhơn ra, muốn gặp mày có chuyện gì đó”, má tôi bảo thế! Lần đầu, thầy gặp tôi trong hoàn cảnh thế đấy!
Hôm đó thầy nói rất nhiều, nhưng tôi chẳng nhớ được bao nhiêu vì lòng lâng lâng một cảm giác gì đó rất khó tả. Ai đời, một người thầy dạy trường chuyên nổi tiếng tại thành phố Qui Nhơn, lại lặn lội đáp chuyến xe đò chật như nêm ra tận Phù Mỹ, một vùng quê hẻo lánh cách đó gần 60 cây số chỉ để tìm tôi, vì “thấy con viết bài thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9 kỳ vừa rồi có năng khiếu”. Lại bảo tôi nên chuyển trường vào Qui Nhơn học.
 
Trong thời buổi những năm bao cấp, ba má tôi nghèo chỉ nuôi đám anh em tôi học phổ thông trường gần nhà thôi đã muốn “sụm bà chè”, chớ nói chi chuyện đèo bòng lên học trường tỉnh. Má tôi phản đối quyết liệt vì “học ít ngu ít, học hung ngu hung”, cơm chưa đủ ăn mà lại còn đòi theo học văn chương cho “nói té chanh té bứa” chớ đâu té tiền té bạc.
Ba tôi thì im lìm. Tôi biết, ông cũng muốn thử liều một phen cho tôi đi lên tỉnh học thiệt, nhưng chuyện tiền bạc thì lấy đâu ra. Còn tôi thì mếu máo, nửa vẫn lờ mờ hiểu ra một cơ hội gì đó, đẹp lắm, hay lắm đang đến với mình, nhưng nửa vẫn lo lỡ mình đi, mấy sào ruộng nhà lấy ai tát ruộng be bờ, làm cỏ…
 
Khó khăn trùng trùng, vậy mà sau mấy tiếng đồng hồ thuyết phục, không biết thầy nói cách nào mà má tôi chịu phục, bảo với ba tôi: “Thôi thì cho nó đi, biết đâu mai mốt nó nên đàng công danh rạng cửa, rạng nhà…”. Thực ra thì bà cảm động vì thấy cái lòng thành tâm, thành ý của thầy. Thế là tôi được chuyển từ một trường làng vào học trường Trưng Vương, một ngôi trường nổi tiếng ở Qui Nhơn.
Ba năm học với thầy, là ba năm “phong ba bão táp” đối với tôi. Một chú chàng nhà quê chỉ có chút năng khiếu văn chương thế mà thầy dành bao công sức ra gọt giũa cho thật lực. Nào là dạy từ chính tả đến chấm câu, từ cách cảm thụ một câu thơ tinh tế đến viết một trang phân tích văn “đáng cân đúng lạng”.
 
Đã thế lại phải lo cho tôi từ chỗ ở đến miếng ăn cái mặc chỉ vì ba má tôi nghèo quá, lại ở xa, chỉ biết hàng tháng gửi cho tôi một bao gạo và một bọc trứng gà, còn lại “trăm sự nhờ thầy”. Cảm nghĩa thầy, tôi học hùng hục, mồ hôi túa trên những trang sách thầy cho mượn hoặc mua cho chẳng kém gì mồ hôi trên luống bừa năm xưa khi tôi quất roi theo hai con bò vàng trên ruộng. “Văn con được cái chân, nhưng chưa hoạt lắm, còn cái chất nông dân nhiều…”. Thầy thường bảo tôi thế.
 
Kỳ thi quốc gia năm ấy, người ta ra một cái đề lạ chưa từng thấy: “Bình luận bài thơ “Thơ ca” của nhà thơ Đaghétxtan Raxun Gamzatốp”. Tôi chưa bao giờ đọc tác phẩm “Đaghétxtan của tôi” của Raxun Gamzatốp, một cuốn sách còn khá mới lạ đối với thầy trò tỉnh lẻ chúng tôi hồi ấy. Nhưng tôi đọc từng lời thơ mà nghe như nói về cuộc đời mình, về cuộc đời thầy, rằng vì sao những con người sống còn thiếu gạo, thiếu tiền như chúng tôi lại gặp nhau, rằng cuộc đời vẫn cần những lời thơ lãng mạn mộng mơ, những khát khao vươn lên từ cuộc sống tầm thường. Đó chính là sự quan tâm đến nhau giữa cuộc đời, là tình thương giữa người và người đích thực.
 
Tôi nhớ đến những giọt mồ hôi rơi giữa luống cày, đến người thầy đã lặn lội đường xa chỉ với một khát khao giúp cho một chú bé nhà quê có chút tia sáng văn chương le lói thành người hữu dụng. Nhớ đến rưng rưng những buổi thầy dạy tôi cái đẹp thơ ca giữa lúc trông chừng nồi canh rau cho bữa cơm chiều… Và tôi đã viết như lên đồng về chức năng của thơ ca, về tình người trong văn chương, trong cuộc đời mà thầy đã giúp tôi hiểu được. Chuyện văn chương lắm lúc cũng ầu ơ. Năm đó, may sao, tôi được giải ba toàn quốc.
 
Bước ra đời từ một cánh cửa hẹp, đời tôi còn lắm long đong lận đận. Tốt nghiệp đại học sư phạm rồi thất nghiệp, mở quán cà phê kiếm sống rồi làm chủ quán sách, rồi đi dạy học, viết văn, làm báo. Có một điều là làm nghề gì tôi vẫn luôn tâm niệm những lời thầy dạy buổi đầu đến nhà tôi, rằng học hành không thiếu cũng chẳng dư, rằng biết đủ là đủ, cái cần nhất là sống thực với mình và mở lòng ra với mọi người, còn cơm áo công danh ở cuộc đời, cần đấy, nhưng lắm lúc như mây bay gió tản.
Hàng chục bạn bè đồng môn nhưng khác lứa của tôi, những người đã từng được thầy nhặt lên giữa những luống cày bụi bặm, giữa những đợt cất vó trên đầm, nay cũng theo đuổi nghề văn, nghiệp báo giữa Sài Gòn cũng luôn nhớ về những lời thầy dạy năm ấy. Bốn mươi năm đi dạy, thầy đã chắt chiu tìm nhặt lấy từng mầm non năng khiếu ở khắp trong Nam ngoài Bắc, để ươm trồng, để hi vọng, để bắc chiếc cầu cho đám trẻ vào đời. Ngẫm cho cùng, má tôi, một bà nông dân ít học, nhưng bằng linh cảm kỳ diệu của người phụ nữ, người mẹ, ngay từ buổi đầu đã nghĩ đúng về thầy: “Chỉ vì thầy có chữ tâm…”.
(Sưu tầm)



Qua Tang Online