Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Khác

Bậc thầy truyện ngắn đương đại

Đăng lúc 09:23 ngày 30/11/2013

Alice Munro của Canada, người được Viện Hàn lâm Thụy Điển ca ngợi là “bậc thầy của truyện ngắn đương đại”, đã đoạt giải Nobel Văn chương năm 2013 hôm thứ năm vừa qua.


 

Ủy ban trao giải thưởng đã so sánh nữ nhà văn 82 tuổi Alice Munro với Anton Chekhov - nhà văn Nga thế kỷ XIX, người được thừa nhận là một trong những cây bút truyện ngắn tài ba nhất lịch sử.

“Chekhov của chúng ta”

Nhà văn Alice Munro.

Bà Munro là nhà văn Canada đầu tiên giành giải Nobel Văn chương kể từ khi Saul Bellow thắng giải thưởng này năm 1976. Thật ra, Bellow sinh ra ở Quebec nhưng đã chuyển đến Mỹ khi còn là một đứa trẻ nên được xem như tác giả người Mỹ.

“Alice Munro đoạt giải Nobel Văn chương thay mặt cho tất cả người dân Canada. Xin chúc mừng Alice Munro”, Thủ tướng Canada Stephen Harper hào hứng bày tỏ trên trang cá nhân.

Sau khi giải thưởng danh giá được công bố, Ủy ban Nobel cho biết đã không thể liên lạc với Munro mà chỉ để lại một lời nhắn điện thoại để báo cho bà biết tin vui. Trong khi đó, tờ Canadian Press đã tiếp cận được bà và Munro được dẫn lời nói rằng giải thưởng là “hết sức kỳ diệu”, bà thật sự kinh ngạc.

“Tôi biết là mình đang chạy đua nhưng tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ thắng”, bà thổ lộ, theo bài báo trên tờ Toronto Star dẫn nguồn từ Canadian Press.

Doug Gibson, nhà xuất bản của bà Munro, đã nói chuyện với đài CNN và đọc lời bày tỏ nhân danh tác giả. “Tôi ngạc nhiên và cảm thấy rất dễ chịu. Tôi đặc biệt sung sướng thấy rằng chiến thắng này sẽ làm vui lòng rất nhiều người Canada. Tôi càng hạnh phúc vì sự kiện này sẽ nuôi dưỡng mối quan tâm của những người viết văn Canada”, Gibson dẫn lời bà Munro.

Các tác phẩm của Munro từ lâu đã được so sánh với truyện ngắn của Chekhov. Một tác giả được ca ngợi khác, nhà văn Mỹ Cynthia Ozick, đề cập Munro như là “Chekhov của chúng ta”.

Ủy ban Nobel cũng lưu ý rằng một số nhà phê bình xem Munro như một Chekhov của Canada. Ủy ban này cho biết: “Munro được ca tụng vì lối kể chuyện mang âm điệu đẹp đẽ, được mô tả rõ ràng và lấp lánh chủ nghĩa hiện thực tâm lý”. Truyện của bà thường được đặt trong bối cảnh của một thành phố nhỏ, nơi cuộc đấu tranh cho sự tồn tại thường dẫn đến những quan hệ căng thẳng và xung đột đạo đức, bắt nguồn từ những khác biệt thế hệ và tham vọng luôn va đập trong cuộc sống.

“Những câu chuyện của bà thường tập trung vào cách miêu tả những con người bình dị xuất hiện mỗi ngày, đặt ra các câu hỏi liên quan đến sự hiện hữu dường như chỉ trong một ánh chớp”, ủy ban trao giải nhìn nhận.

Tập truyện ngắn Runaway (Trốn chạy - 2004) đã được xuất bản tại Việt Nam.

Tác giả đã giành được nhiều lời tán dương qua thời gian, trong đó có Giải Quốc tế Man Booker năm 2009. “Alice Munro được biết chủ yếu như là nhà văn viết truyện ngắn. Cho đến lúc này, bà đã đưa cái uyên thâm, từng trải và tinh tế vào từng câu chuyện như hầu hết các tiểu thuyết gia mang lại cho đời sống tiểu thuyết của họ. Đọc Alice Munro là để nghe thấy điều gì đó mà bạn không hề nghĩ về nó trước đây”, nhóm chuyên gia thẩm định chất lượng của Man Booker có lần nhận xét.

Không gian thơ ấu

Alice Munro sinh năm 1931 tại thị trấn Wingham, tỉnh Ontario - Canada và sống ở miền Tây Nam thị trấn Clinton gần đó. Cha của bà là một nông dân chăn nuôi và mẹ là giáo viên.

Bà Munro bắt đầu viết truyện trong những năm còn học trung học và nghiên cứu báo chí, tiếng Anh khi vào trường ĐH Western Ontario. Bà lập gia đình năm 1951, sau đó cùng với chồng chuyển đến Victoria, thủ phủ của British Columbia - Canada.

Ở đó, họ mở một tiệm sách. Tài năng viết văn của Munro bắt đầu phát tiết nhưng không may, cuộc hôn nhân lại theo chiều ngược lại và cuối cùng tan vỡ, để lại 3 người con. Nỗi khổ lặng lẽ theo bà.

Tác phẩm của Munro được đăng tải trong các tạp chí khác nhau, bắt đầu từ những năm 1950. Năm 1968, bà cho ra mắt tập truyện ngắn Dance of the happy shades (Điệu vũ của những bóng râm hạnh phúc). Năm 1971, bà lại giới thiệu một tập truyện ngắn khác là Lives of girls and women (Cuộc sống của những cô gái và đàn bà), được các nhà phê bình mô tả như một loại tiểu thuyết “hình thành tâm lý” mang đậm tính giáo dục.

Các tác phẩm nổi tiếng khác của Munro bao gồm: Who do you think you are? (Bạn nghĩ mình là ai?), The Moons of Jupiter (Những mặt trăng của sao Mộc), Runaway (Trốn chạy), Too much happiness (Quá đỗi hạnh phúc)...

Munro giành được sự ngưỡng mộ trên thế giới vì viết về những con người quen thuộc. Bà viết về những người nội trợ ở Vancouver, người bán sách ở Victoria, nông dân trồng đậu ở Huron hay nhân viên kế toán, giáo viên và quản thủ thư viện... Đó là những người Canada bình thường. Rồi bà đã dùng ma lực để khiến họ trở nên hấp dẫn khác thường.

Tập truyện ngắn gần đây nhất của Munro là Dear life (Cuộc sống đáng yêu). Tạp chí New Yorker, trong một cuộc phỏng vấn với bà hồi năm ngoái, cho rằng tập truyện chứa đựng một số chuyện kể. Ở đó, những phụ nữ, theo cách nào đấy, rũ bỏ gánh nặng giáo dục của họ và làm điều không hợp với thói thường.

Được hỏi bằng cách nào có thể tập trung vào các truyện ngắn, Munro trả lời: “Theo năm tháng, tôi nghĩ rằng những truyện mình viết chỉ là bước tập dượt, cho tới khi tôi có thời gian viết một cuốn tiểu thuyết. Rồi tôi nhận ra rằng đó là tất cả những gì mình có thể làm. Vì thế, tôi chấp nhận đương đầu với nó. Tôi nghĩ việc tôi cố dồn nén vào truyện là một cách bù đắp”.

Bà Munro hy vọng giải thưởng lần này sẽ khiến mọi người nhìn nhận “truyện ngắn là một loại hình nghệ thuật thiết yếu chứ không phải thứ gì đó chỉ để giải khuây”.

Những năm gần đây, bà Munro luôn được đề cập như một ứng viên lớn của Nobel Văn chương bên cạnh nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami và nhà văn Mỹ Philip Roth.

Theo Người Lao Động (và Zing News)
 

 




Qua Tang Online