Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Thông tin ẩm thực

Bánh cống bột đậu nành

Đăng lúc 11:36 ngày 26/06/2007
Photo
Sóc Trăng ngoài đặc sản như bánh pía, lạp xưởng, của hành tím, nhãn Vĩnh Châu… còn có bánh cống bột đậu nành khá lạ cho du khách thưởng thức.
 


Nhìn bề ngoài và cách bày bán cũng giống như bánh cống các nơi khác: bánh chiên nằm trong khuôn thiếc nhỏ rồi vớt ra vỉ kẽm trên miệng chảo để bánh rỏ hết dầu. Cũng rau thơm, cải xanh và nước chấm, thế nhưng cái gì đã làm nên tính đặc biệt của bánh cống Sóc Trăng?

Ông Kim Nô Rane, còn gọi là ông năm Răng, người Việt gốc Khmer 54 tuổi ở phường 2, thị xã Sóc Trăng, đã làm nghề bánh cống hơn 15 năm với vợ cho biết: Bánh cống này nếu gọi tên cho đúng là bánh cống bột đậu nành. Thành phần bột của nó bao gồm bột đậu nành, bột gạo và trứng. Nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Trên mỗi cái bánh cống đều có hai con tép bạc. Nước chấm có nước mắm, ớt, dưa chua, gừng xắt nhỏ, cải đỏ, cải trắng. Rau để gói bánh cống là rau thơm như: húng lủi, quế, xà lách, cải xanh… “Tuy chỉ bấy nhiêu nhưng khách đến Sóc Trăng kể cả du khách nước ngoài hay tìm ăn bánh cống bột đậu nành Sóc Trăng”, ông Năm Răng nói.

Bánh mới chiên xong vừa nóng, vừa giòn cùng với gia vị phong phú thể hiện trong bánh đã làm nên hương vị độc đáo của bánh cống bột đậu nành Sóc Trăng. Bà Lâm Ngọc Sương, vợ Năm Răng, người trụ cột trong việc chế biến bánh này cho biết: “Bánh này có nguồn gốc hơn 100 năm nay. Trước đây bà nội tôi, gọi là bà Són chuyên làm bán ở chợ Sóc Trăng. Bà tôi mất, gia đình tiếp tục nghề này”. Bánh cống bột đậu nành còn gọi theo tiếng Khmer là bánh sầy hay sài cá nại, tên gọi xưa kia của bánh cống bột đậu nành. Xuất xứ của sài cá nại ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng.

Sóc Trăng hiện có bốn điểm bán bánh cống bột đậu nành, tuy nhiên buổi chiều, ngồi bên đường Trần Quang Diệu thị xã Sóc Trăng thưởng thức sài cá nại chính gốc vừa ngon vừa có nét hay hay.


Qua Tang Online