Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Đặc sản quê tôi

Bánh phu thê Huế

Đăng lúc 10:23 ngày 16/09/2006
Photo
Huế không chỉ nổi tiếng với món bún bò giò heo, cơm hến, bánh canh, v.v. mà còn nổi tiếng với các món bánh.
 


Từ bánh nậm, bánh bèo, bánh lọc, bánh ớt, bánh ít ram, bánh khoái, v.v. cho tới chiếc bánh phu thê gắn liền với tục cưới hỏi của người Việt mà ta đang nói đến ở đây đều mang một dáng dấp phong vị riêng của Huế mà không nơi nào có được.

Sự tích về chiếc bánh phu thê (có người gọi là su sê) từ xa xưa đến nay có rất nhiều giai thoại khác nhau. Mỗi một vùng, mỗi một thời kì đều có sự khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn xoay quanh câu chuyện tình nghĩa vợ chồng. Điều này cũng dễ lý giải bởi hai chữ "phu thê" trong tiếng Hán vốn có nghĩa "vợ chồng" và trong thực tế loại bánh này cũng thường được dân gian dùng nhiều vào những dịp cưới hỏi. Sự tích là vậy và trên thực tế ở mỗi vùng chiếc bánh phu thê cũng có những biến tấu khác nhau đến lạ kì. Một trong những khúc biến tấu độc đáo ấy của chiếc bánh phu thê có lẽ phải nên nói đến chiếc bánh phu thê của Huế.Trước hết phải nói ngay rằng bánh phu thê Huế có hình thức lẫn hương vị khác xa hoàn toàn so với các loại bánh phu thê ở những vùng khác như Hà Nội, Đình Bảng (Bắc Ninh). Nếu như chiếc bánh phu thê ở ngoài Bắc có hình hơi tròn dẹt và được gói trong giấy bóng kính trang kim màu vàng hoặc đỏ, ăn hơi nhão và có vị của phẩm màu; thì ngược lại, bánh phu thê Huế lại được đóng khuôn trong những chiếc hộp lá dừa xinh xắn, thanh nhã, đáng yêu và ăn có vị giòn mát, thơm ngọt hấp dẫn. Về tên gọi, thảng hoặc ở Huế cũng có người gọi là bánh su sê, đây có lẽ là cách gọi chệch âm theo thói quen thường gặp của người Huế, còn đại bộ phận người Huế vẫn gọi là bánh phu thê như đúng tên gọi vốn có của nó.Các cụ xưa có câu "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình" có nghĩa là chỉ mới nghe tên mà chưa tường được mặt. Vậy nay đây, cái hình hài thanh nhã xinh xắn trắng trong của chiếc bánh phu thê xứ Huế mà các bạn đang chiêm ngưỡng tưởng chừng cũng đã nói lên được phần nào cái nội dung bên trong của nó vậy.Cái sắc xanh tươi biêng biếc của lá dừa xanh, cái trắng trong đến nõn nà của thân bánh, cái óng vàng đến mỡ màng của chất nhân bên trong nhân hoà quyện lấy nhau tạo nên một tác phẩm thực thụ.

Thực ra, những thứ để làm nên chiếc bánh phu thê Huế không phải cái gì quá cao sang khó kiếm. Chúng đều là những thứ vật liệu mang tính tầm tầm, bình dân dễ kiếm. Bạn hãy thử hình dung rằng với một chút bột lọc (tinh bột sắn lọc), một chút đậu xanh, một chút cơm dừa nạo sợi, một chút đường, vani, một miếng lá dứa (lá cơm nếp) cùng với một cọng lá dừa tươi; tất cả chỉ có vậy, nhưng qua bàn tay khéo léo, cầu kỳ của các mệ (bà), các chị chúng đã hình thành nên chiếc bánh phu thê độc đáo và hấp dẫn.Bánh phu thê được người Huế dùng nhiều vào các dịp cưới hỏi vì nó mang nhiều ý nghĩa quan niệm về tình nghĩa vợ chồng.

Theo như dân Huế thì bản thân chiếc bánh gồm có hai phần chính tượng trưng cho âm và dương, vợ và chồng. Phần thân bánh trắng trong mịn màng tượng trưng cho âm (vợ), còn phần nắp chỉn chu vuông vắn ôm lấy thân bánh tượng trưng cho dương (chồng). Về hình thức là vậy, còn nội dung của bánh phu thê cũng có phần đặc biệt và thú vị không kém. Bánh phu thê đem lại cho người thưởng thức cái cảm giác vừa giòn vừa dai của cái chất bột lọc để nguội, vừa sần sật của những cọng cơm dừa non, vừa có cái ngầy ngậy béo của nhân đậu xanh, vừa có cái hương thơm dìu dịu của vani, của lá cơm nếp, vừa có cái vị ngọt thanh mát của đường cát trắng. Tất các các hương vị ấy hợp lại tạo thành một hương sắc và vị riêng của bánh phu thê Huế mà có lẽ đến những dòng chữ mà tôi đang viết đây cũng khó lòng mà lột tả được hết.Dẫu hôm nay đây tôi có tả thế nào thì cũng không lột được hết cái thần thái và hương vị của chiếc bánh phu thê xứ Huế, một mồn quà mang đậm dấu ấn phong tục cũng như bàn tay khéo léo dịu hiền của các cô gái Huế xưa và nay. Hi vọng rằng, sẽ có một ngày nào đó, khi bạn có dịp ghé lại Huế thì xin hãy nếm thử chút lòng ngon ngọt trắng trong của bánh phu thê Huế để chiêm nghiệm thêm chút hương vị đặc sắc của xứ thần kinh vừa tròn 700 năm tuổi này.


Qua Tang Online