Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Du lịch

Chiêm ngưỡng ngôi làng cổ nhất Việt Nam

Đăng lúc 18:51 ngày 17/04/2014
Làng Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội hơn 50 km. Đường Lâm là làng cổ nhất Việt Nam, được công nhận “Di tích quốc gia”, từng là nơi cư trú của người Việt cổ cách đây khoảng 4.000 năm.
 
Tọa lạc trên những ngọn đồi bán sơn địa với những vỉa đá ong cổ nên các ngôi nhà, những bức tường, giếng nước… trong làng đều được xây bằng đá ong. Vì vậy, Đường Lâm còn có tên gọi “Làng cổ đá ong”.
Chúng tôi đến Đường Lâm vào một ngày nắng đẹp, hết sức thú vị khi tận mắt chiêm ngưỡng ngôi làng cổ nổi tiếng này. Trải qua bao thăng trầm, nơi đây vẫn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng cổ Việt Nam với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen và rất nhiều di tích văn hóa, kiến trúc đại diện cho nền văn minh châu thổ sông Hồng. 
Từ xa xưa, Đường Lâm được coi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Khắp nơi trong làng là những di tích lịch sử, những danh thắng thiên nhiên được bảo tồn cẩn thận. Bằng những câu chuyện hết sức sinh động, anh bạn cũ quê Đường Lâm đưa chúng tôi trở lại những trang sử hào hùng của một thời cha ông dựng nước và giữ nước. Trong sử sách, Đường Lâm được gọi là “ Đất hai vua” bởi đây là nơi sinh ra hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng. Không những thế, Đường Lâm còn là quê hương của nhiều nhân tài kiệt xuất như sứ thần -Thám hoa Giang Văn Minh, một nhà ngoại giao xuất sắc cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII; Khâm sai đại thần, Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Phan Kế Bính…Đường Lâm còn là nơi chôn rau cắt rốn của bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng). Hiện nay, ở Đường Lâm có 16 di tích kiến trúc gồm đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, lăng mộ... Trong đó, 7 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia như đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đình Mông Phụ (gần 400 năm tuổi), nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, chùa Mía …
Nơi chúng tôi dừng chân đầu tiên là cổng làng Mông Phụ, xây bằng đá ong cổ, được các nhà nghiên cứu coi là đặc biệt và cổ nhất miền Bắc. Khác hẳn các lọai cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác trên mái với những mái vòm cuốn tò vò, cổng làng Mông Phụ chỉ là một ngôi nhà hai mái, nằm ngay trên con đường dẫn vào làng. Phía bên phải là một hồ nước xanh trong thơ mộng. Bên trái, cây đa cổ thụ hơn 300 năm tuổi xum xuê tỏa bóng mát, tạo nên một phong cảnh thanh bình rất đặc trưng của làng quê Bắc bộ.
Đình Mông Phụ cũng là một điểm nhấn đặc biệt của Đường Lâm, được xây dựng từ năm 1864, đời vua Lê Vĩnh Tộ, là một tác phẩm tiêu biểu về giá trị nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.
   Đường Lâm hiện còn lưu giữ gần 800 ngôi nhà cổ vài trăm tuổi. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà cổ nhất Đường Lâm (360 năm tuổi) của anh Nguyễn Văn Hùng, được xây bằng đá ong với đầu hồi bít đốc, không có cửa sổ hậu. Mái nhà lợp ngói vẩy mũi hài cổ kính. Các cây cột và rường nhà làm bằng gỗ lim, đã lên nước đen bóng. Khuôn viên ngôi nhà có tường bao bằng đá ong nối liền với cổng cũng bằng đá ong.
   Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi qua làng Đòai Giáp, nơi có đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đến làng Cam Lâm thăm đền thờ Ngô Quyền và thắp hương trên lăng mộ của ngài ngay gần đó. Dân làng Đường Lâm đã chọn cho vị vua huyền thọai này một nơi an nghỉ tuyệt đẹp với hướng nhìn ra các dãy đồi bát ngát ngày đêm phần phật thông reo.
Tiếp đó, vượt qua những cánh đồng trù phú mượt mà những đám bắp đang trổ cờ và những ngọn đồi biếc thông xanh, chúng tôi đến thăm Chùa Mía, ngôi chùa nổi tiếng vì có số lượng tượng lớn nhất Việt Nam: 287 pho, trong đó có 174 pho tượng đất. Các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải về kỹ thuật đắp tượng đất : chỉ có đất sét nhào nhuyễn và cốt tượng được tạo từ thân và rễ cây si, nhưng những pho tượng đất Chùa Mía vẫn là những kiệt tác vô giá, tồn tại như một sự thách thức với thời gian...
   Cổng làng và những ngôi nhà cổ tại Đường Lâm:


Cổng làng
 


Tường đá ong
 



 

Nhà Thám hoa Dương Văn Minh



Đình làng Mông Phụ và giếng cổ



Chùa Mía



                                                                             Bookkhachsan.com - theo Phunuonline.com.vn 





Qua Tang Online