Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Thông tin ẩm thực

Gỏi Sa Sâm

Đăng lúc 09:58 ngày 24/08/2006
Photo
Mỗi vùng quê trên đất nước Việt mến yêu có vô vàn những điều khác biệt. Sự khác biệt thường thấy nhất là ở các món ăn. Văn hoá chế biến món ăn của Việt Nam đã trở thành một thứ nghệ thuật.
 


Ăn không chỉ để no mà còn là cơ hội để thoả mãn tất cả các giác quan, đặc biệt là thi giác và vi giác. Sự hấp dẫn của các món ăn thôi thúc con người không ngừng sáng tạo ra các món ăn mới.

Hãy nghe tiếng sóng vỗ dạt dào của biển cả buổi sáng, say ngất ngây vẻ phiêu bồng của mây và lãng đãng bàn chân men theo trên những triền cát trắng. Phan Thiết quê tôi là thế, thành phố của tình yêu đằm thắm hương vị mặn mòi của cá, tôm và những chàng trai, cô gái ngư phủ hiền lành, chân chất.

Ẩm thực của Phan Thiết khác đa dạng, nhưng món ăn ngon và độc đáo không cứ nhất thiết phải là món ăn được chế biến cầu kỳ. Ăn càng đơn giản càng ngon. Gỏi Sa sâm có lẽ là món ăn kỳ thú trong số những đặc sản của Phan Thiết. Sa sâm là một loài cây mọc hoang dại ở hầu khắp các vùng biển, nhưng lạ thay, chỉ ở Phan Thiết người ta mới nghĩ đến việc thu hoạch nó làm món ăn. Lá Sa sâm được thu hoạch vào buổi sớm tinh mơ. Loài cây hao hao giống cây Bồ Công Anh này xem ra có công dụng khá tốt cho sức khỏe. Những người ngư phủ thường dùng lá sâm này ăn sống, xem như món rau rừng.

Khi những chiếc lá sâm còn đọng ướt sương đêm, người ta hái chúng về, rửa thật sạch cát bám trên la, đổ ra rổ cho ráo nước.

Nguyên liệu đi kèm là dăm miếng cá đuối khô, mực khô. Các thứ được đem nướng vừa lửa, khi vừa chín tới, dùng tay xé nhỏ. Đổ khô đuối, khô mực vào đĩa rộng, xếp xen kẽ dăm miếng ớt chín thái khoanh, sau đó cho lá rau sa sâm vào, trộn đều. Phụ gia đi kèm là nước cốt chanh, đường cát, nước mắm, tỏi băm, me bột, các thứ trộn cho hoà tan gia vị vào nhau. Rưới hỗn hợp nước mắm pha này vào gỏi. Dùng đũa trộn nhiều lần, sao cho gỏi ngấm gia vị. Rắc đậu phộng rang lên trên cùng.

Ở Phan Thiết người ta khoái ăn món gỏi Sa sâm với bánh tráng nướng giòn. Cánh nhậu lại chuộng nó bởi vì cái chất mặn mặn của lá sa sâm như là chất tinh tuý luôn làm cho bầu rượu vơi đi đến giọt cuối cùng. Ăn lá sa sâm ít ai ăn chín, chỉ ăn sống để cảm nhận cái ngon của loài rau trời, để tìm đến khát khao của nỗi nhớ. Món ăn chân quê, viết ra để mọi người cùng ngẫm.


Qua Tang Online