Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Thông tin ẩm thực

Nghề gác kèo ong ở U Minh

Đăng lúc 14:44 ngày 21/09/2006
Photo
Ở U Minh có nhiều nghề, ngoài nghề rừng có một nghề độc đáo là gác kèo ong. Đặc biệt ai làm nghề này đều bắt buộc phải gia nhập vào một tổ chức xã hội truyền từ đời này đến đời khác, tổ chức này chính họ lập ra gọi là Đoàn Phong Ngạn, có trưởng đoàn và các đoàn viên.
 


Dụng cụ của mỗi đoàn viên Phong Ngạn gồm một cái búa thật bén, một cái gùi, một hộp quẹt, dúm bùi nhùi bằng xơ dừa hay vỏ tràm khô và con dao, ngoài ra người ăn ong phải có tính cần mẫn, say mê với nghề. Luật của đoàn Phong Ngạn rất nghiêm khắc: mọi thành viên khi vào rừng phải báo trước cho đoàn biết, qua đấy kiểm soát được chặt chẽ hoạt động của người đi rừng; mỗi đoàn viên chịu trách nhiệm giữ không cho lửa cháy ở khu vực mình; cấm ngặt không trộm mật ong của người khác.

Đoàn Phong Ngạn xưa kia được hình thành trong dòng họ, về sau được tổ chức theo cụm dân cư, là nghề cha truyền con nối, khi người cha mất hoặc đi xa tất cả kèo ong thuộc về con cháu trong gia đình, nếu không còn ai nối nghề kể như thất truyền, những đầu kèo trong rừng thuộc về Đoàn Phong Ngạn và Đoàn phó toàn quyền chia cho người khác.

Kèo ong được làm đơn giản, chặt đoạn tràm thẳng, to cỡ bắp chân người lớn, dài chừng 2-3m, phơi khô, trước khi mang vào rừng thường thoa lớp sáp ong để mời gọi ong trinh sát. Người thợ lựa hướng gió, hướng mặt trời gác cây kèo chênh chếch cỡ tầm đầu người. Gác kèo, đúng kỹ thuật ong mới chịu làm tổ và cho mật nhiều. Người nào được số kèo ong về làm tổ trên 90% được liệt vào bậc lão làng, ít hơn khó kết nạp vào Đoàn Phong Ngạn.

Ong vừa là nhà kiến trúc rất khéo, vừa là nhà thiên văn địa lý, nhà khoa học. Tổ ong được làm nhà bằng sáp lấy từ những tuyến ong thợ, ong xây tổ với chiều cao thích hợp, cao sợ mất nước, gió làm hư hại. Tổ ong xây hình lục giác diện tích vừa đủ để ở kể cả ong chúa. Ong chúa thường ở nơi cao nhất tổ để giữ bí mật và quan sát. Gia đình ong có tổ chức hoạt động phân công rõ ràng làm việc cần mẫn, ong nào việc nấy không chồng chéo lấn sân, trách nhiệm giao phải hoàn thành, đó là cách tổ chức đáng khâm phục. Đến kỳ lấy mật, người "ăn ong", nhóm bùi nhùi để hun khói xua ong. Để an toàn trong việc phòng cháy rừng, bùi nhùi được đốt trong hộp thiếc, nắp hộp có lỗ cho khói thoát ra. Khi lấy mật ong không thể dùng dao bằng kim loại, ong sẽ bỏ tổ, đó là một trong nhiều kinh nghiệm trong nghề "ăn ong". Lúc lấy mật phải chừa hậu.

Thông thường mỗi tổ ong trúng nhất được 5- 6 lít. Khối tinh hoa này được chắt chiu từ bao nhiêu triệu cánh ong và bao nhiêu cánh hoa rừng sao kể xiết. Cao ong một hỗn hợp sáp và nhựa cây do ong hút được từ hoa lá non và vỏ cây. Cao ong được dùng công nghệ sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm, làm thuốc trị bệnh tim mạch, thiếu máu, trị nhiễm trùng, tái tạo mô, cải tạo hệ miễn dịch, hệ tiêu hoá… Các nhà khoa học phát hiện nhiều sản phẩm tự nhiên của ong, từ cao, mật, sữa ong chúa và nọc ong đều có khả năng làm giảm đáng kể sự tăng trưởng của khối ung thư.

Nghề lấy mật ong ở nước ta có từ lâu đời, một nghề truyền thống cha truyền con nối có tổ chức hẳn hoi. Thời bao cấp, toàn bộ rừng giao cho lâm trường không cho dân Phong Ngạn tự do vào rừng, chủ trương này cũng không thành. Dân Phong Ngạn ngày nay được vào rừng gác kèo, ngoài việc thu được mật, họ còn là đội quân phòng chữa cháy rừng hiệu quả nhất.

Để có mật nhiều, chúng ta phải bảo vệ rừng nhất là khu rừng U Minh, nơi đây là khu rừng thiên nhiên ưu đãi cho nhiều mật, chúng ta phải lấy kinh nghiệm người xưa kết hợp với khoa học hiện đại để khai thác mật hiệu quả hơn, đồng thời cũng kết hợp giữa nhà nước với nhân dân cùng bảo tồn và khai thác, có như vậy nguồn tài nguyên thiên nhiên mới được bảo tồn lâu dài và nhờ có đội quân "ăn ong" chúng ta an tâm hơn về nạn cháy rừng.


Qua Tang Online