Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Sự tích món phở Việt Nam

Đăng lúc 13:53 ngày 09/12/2006
Photo
Theo Alain Guillmin, người Pháp, món phở Việt Nam là kết quả đầy sáng tạo của Thi Ba - tình nhân của Francois Pierre Vidcoq - một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910-1914, ông ngọai của tác giả -khi cô phải chế biến món pot au feu của Pháp cho ông ăn.
 


Bằng những hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam, Thi Ba đã làm ra món phở và nhanh chóng được nhiều người Sài Gòn thời đó biết đến. Đây chỉ là một trong nhiều sự tích về món phở, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Còn có cái gì đặc thù Việt Nam hơn phở, món ăn ngon lành mà Bích, đã nấu thật khéo léo khiến vị giác của chúng tôi đều thích thú. Cùng với trống đồng, đàn bầu và Truyện Kiều, không nghi ngờ gì nữa, đó là một trong những đóng góp chủ yếu của Việt Nam vào văn minh nhân lọai. Đến mức việc bàn luận về giá trị của những lọai phở khác nhau trở nên một lối thử bút mà những nhà văn lớn của Việt Nam thể hiện với sự khóai trá chẳng kém gì khi bình những câu thơ hay nhất của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du hay Xuân Diệu.

Chẳng hạn, trong cuốn Cát bụi chân ai, Tô Hòai kể lại chi tiết cho chúng ta một cuộc tranh cãi, nếu có thể gọi thế, giữa Nguyễn Tuân và Thạch Lam:"Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà là hợp khẩu vị, và ngon theo ý mính...Bài bút ký Phở đã đưa tác giả vào hàng những tay cực thạo món quà này. Ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Không đụng đũa vào bất cứ thứ phở nào khác. Thịt bò chín, nạm hay mỡ, bánh vừa phải không nẫu vồng lên -bánh thái sẵn hay thái máy như ở Sài Gòn, Nguyễn Tuân gọi đùa là vằn thắn phở. Xúc bánh xong, thái thịt rồi bày lên, rắc hành hoa và hạt tiêu - không ớt, mặc dầu thích ớt cay...Lùa thật nhanh, ăn thật nóng, lên hết chất phở, thú nhất. Không hành tây, mùi tàu, húng chó, không thêm nước mắm, dấm ớt, tương ớt, không mỡ váng, không mì chính cốt thưởng thức cái tinh túy của nước dùng xương. Tập ký "36 phố phường" của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Dõan, bát phở rỏ mấy giọt cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân thường cười: "Cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dộc tẩu xuống, kể cũng đáng viết cho ra nhẽ".

Còn gì Việt Nam hơn phở! Nhưng không! Cần phải khôi phục lại sự thật, cho dù đó là niềm tự hào dân tộc. Phở là một trong những sản phẩm của thới Pháp thuộc, kết quả của một sự cộng tác chắc chắn là miễn cưỡng, giữa thực dân với bản xứ (hay nói đúng hơn, giữa một tay thực dân với một người đàn bà bản xứ). Tôi không dám úp mở thêm để làm mất thời gian của bạn đọc, chính ông ngọai tôi, Francois Pierre Vidcoq, một hạ sĩ quan hải quân từng sống ở Sài Gòn từ 1910 đến 1914, cùng với cô Thi Ba xinh đẹp của ông đã nghĩ ra cách nấu phở. Chính ông đã kể cho tôi, kể lén bà ngọai, một Bà Đầm, nghe chuyện này. Tôi sẽ cố gắng truyền đạt trung thành những lời ông kể. Xin nói thêm, ngay cả cái tên của món ăn tuyệt khẩu này chẳng qua cũng chỉ là cách phiên âm sang tiếng Việt của cụm từ Pháp:"pot au feu" - pô-tô-phơ - như các bạn dễ dàng hiểu sau khi đọc những dòng dưới đây...

Chuyện thế này: Sau khi đã ổn định tại Sài Gòn, xa tấm thân đang thời xuân sắc của cô vợ người xứ Normandie, Francois Pierre chẳng bao lâu lại tràn trề ham muốn. Ngay cả dưới cái nóng nhiệt đới, thân xác cũng cần khóai cảm, nhà cửa cũng cần dọn dẹp và bàn ăn cũng cần phải có món ăn! Francois Pierre kiếm được một cô gái, đưa về sống trong căn nhà của mình. Mấy tháng trôi qua cũng chẳng đến nỗi nào: Francois Pierre không phải là một người đàn ông độc ác, anh không chửi mắng cô gái để chứng tỏ quyền uy với người da trắng, không đánh đập cô cho hả những lúc bực mình, còn Thi Ba phục vụ những nhu cầu hàng ngày của ông Tây. Ông ta cho phép cô thỉnh thỏang ra ngòai với chúng bạn, còn chuyện kia thì cũng không quá tuần một đôi lần, cốt làm dịu những đòi hỏi xác thịt bình thường.

Nhưng sau đó đột nhiên Francois Pierre ngã bệnh nhớ nhà. Anh trở nên ủ rũ, cáu kỉnh và dễ nổi xung. Những lúc không chỉ mắng Thi Ba hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô vì những lí do vớ vẩn, anh lại chúi mũi vào chai rượu ngải, mắt kiếm tìm vô vọng vệt xanh lơ của dãy Vosges, điều không thể nào làm được từ mảnh đất Nam Kỳ xa xôi này. Trong trạng thái lơ mơ say như thế, một câu nói cứ dai dẳng bên tai anh không lúc nào ngừng:"Du pot au feu, tôi thèm pô-tô-phơ, ước gì lúc này được một bữa pô-tô-phơ!".

"Phơ, phơ, phơ " Thi Ba chỉ nghe được có vậy và chẳng biết phải làm gì. Cô bạn của Thi Ba từng làm con ở trong nhà một viên quan Pháp, một viên quan to xa xỉ khó tưởng tượng nổi, đến mức đem theo đến Đông Dương cả một bà đầu bếp người Pháp, giải thích cho Thi Ba hiểu ra đầu đuôi mọi chuyện. Cái thứ pô-tô-phơ đang làm anh lính thủy đánh bộ kgổ sở hóa ra chỉ là một món súp, mà món súp thì Thi Ba biết nấu. Nếu như biết công thức của nó. Thi Ba chỉ bập bẹ tiếng Pháp bồi, Francois Pierre biết không quá hai chục từ tiếng Việt. Cuối cùng, nhờ có một con chiên annamite trẻ tuổi biết thứ tiếng của Voltaire-nhân tiện cũng nói thêm rằng tác giả này bị những nhà truyền đạo chính thức cấm đọc- Thi Ba đã hình dung ra được những việc phải làm. Nguyên liệu, pha chế, cách nấu và gia vị, chẳng có gì giống với nghệ thuật nấu ăn của người Việt, thêm nữa, Francois Pierre khăng khăng muốn Thi Ba nấu sao cho giống hệt món pot au feu mà mẹ anh ta vẫn nấu. Rốt cuộc, sau vô số những lần thử nghiệm, những thất bại, cãi cọ, những nồi súp hỏng đổ xuống kênh, Thi Ba đã đi đến một kết quả tạm được Francois Pierre chấp nhận. Dĩ nhiên, món phở của Thi Ba khác hẳn món pot au feu ở quê anh, nhưng, như ngạn ngữ Pháp thường có câu:"Faute de grives on mange des merles!". Dịch sang tiếng Việt, có nghĩa là:"không có cá lấy tôm làm trọng".

Thay cho các gia vị truyền thống của nghệ thuật nấu ăn Normandie, Thi Ba sử dụng hương thơm tinh tế của các lọai rau Việt Nam. Món ăn mới này ban đầu được hai người say mê thưởng thức, sau đó đến các bạn bè, rồi bè bạn của bè bạn. Tất cả những người lính thủy từng ghé vào lấy thực phẩm tại cảng Sài Gòn trứơc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đều sẽ nói với bạn, một cách thi vị về món súp của nàng Thi Ba xinh đẹp, cô gái của Francois Pierre Vidcoq.

Ông ngọai tôi sau đó đã trở về Normandie, để lại cho Thi Ba khỏan phụ cấp giải ngũ ít ỏi của mình. Với số tiền này, Thi Ba trở về Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn, mở một tiệm ăn và nó nhanh chóng trở thành nơi ưa thích của những tay sành ăn Hà Nội vốn đông đảo và hay chuyện. Danh tiếng của bà và của món phở ngày một lan xa. Khi ông ngọai tôi mất, bà ngọai tôi tìm thấy trên cổ ông một cái túi bằng lụa nhỏ, bên trong có ảnh một người đàn bà Annamite mặc quần áo cổ truyền cùng một ít lá thơm. Bà khóc suốt đêm và chôn ông cùng với chiếc bùa hộ mệnh ấy.

Câu chuyện về nàng Thi Ba xinh đẹp, Francois Pierre Vidcoq và món phở là như vậy. Chẳng biết đó là chuyện thật hay là chuyện bịa? Điều quan trọng là nó làm cho bạn thích thú và nhớ đến mỗi khi mũi bạn ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt từ một bát phở lớn nóng hổi bay lên.

Alain Guillmin (Pháp) Ngô Tự Lập (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp).


Qua Tang Online