Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Cửa sổ tâm hồn

Thư gửi con dâu

Đăng lúc 14:17 ngày 25/07/2013

Đọc thư con, điều đầu tiên mẹ cảm nhận được là sự mạnh mẽ, thẳng thắn ở một cô gái hiện đại mà mẹ - dù muốn như con cũng chẳng cách nào thay đổi được. Mẹ thấy vui khi có được người con dâu biết nghĩ như con.


 
Mẹ cũng cám ơn con vì những tình cảm cũng như thiện chí muốn mẹ con ta xích lại gần nhau hơn qua lá thư của con. Là một người mẹ chồng, mẹ còn mong gì hơn thế? Mẹ hoàn toàn tán thành những gì con nói, chỉ có đôi điều mẹ muốn trao đổi thêm, với tư cách của một người đồng cảnh ngộ bởi mẹ con mình đều là những người vợ, người mẹ trong gia đình, đừng xem những gì mẹ nói xuất phát từ sự “giáo huấn” của một bà mẹ chồng dành cho con dâu, con nhé, bởi có thế thì con mới thấy thoải mái khi tiếp thu những góp ý chân thành từ mẹ.

Mẹ hoàn toàn nhất trí với con về khoản nội trợ, cơm nước, chợ búa. Trút được gánh nặng từ những việc “không tên” trong gia đình luôn là mong mỏi của tất cả phụ nữ, chỉ có điều họ có biết cách sắp xếp để đạt được mong muốn chính đáng ấy không thôi. Thế nên với người này việc nhà là những cái “ách” phải mang nhưng với người kia, chuyện nội trợ chỉ nhẹ như lông hồng nếu họ biết cách thu xếp và cũng phải có “điều kiện” để được như vậy (là mẹ muốn nói đến vấn đề kinh tế, chúng con may mắn có công việc với thu nhập tốt nên vấn đề thuê người giúp việc chẳng là điều đáng bận tâm). Thế nhưng, thỉnh thoảng cũng nên “lăn vào bếp” một tí con ạ, để củng cố hình ảnh cũng như vai trò của người vợ trong mắt chồng, người mẹ trong mắt con cái. Mẹ nói thế là vì mẹ thấy bọn trẻ cứ xoắn lên mỗi khi cô giúp việc nhà con về quê hay nghỉ việc, chúng lo không có ai nấu cơm cho chúng ăn hay chúng cứ phải liên tục ăn mì gói và bánh mì ốp-la thay cơm vì ít khi thấy mẹ mình vào bếp nên sợ mẹ… không biết nấu!
 
Mẹ rất tự hào khi ai đó khen con dâu mẹ khéo ăn mặc, lại làm công ty nước ngoài nên tác phong lịch sự, sang trọng. Điều đó đồng nghĩa với việc thông qua hình ảnh đẹp đẽ ấy, con được mọi người tôn trọng vì giá trị của con cũng tăng lên ít nhiều qua hình thức chỉn chu, trang phục gọn gàng. Nhưng nhiều lần lên chơi, mẹ thấy thằng Bi, thằng Bách mặc đồ nhăn nhúm đi học mà phát tội. Có khi cái áo chúng mặc đã đứt vài cái nút mà con, có lẽ vì quá bận rộn nên không phát hiện chăng? Con ạ, đó chỉ là những tiểu tiết thôi, có người chẳng mảy may để ý đâu, nhưng chắc chắn sẽ có người nhìn thấy và trách mẹ bọn trẻ ở đâu sao không chịu khó đơm lại cái khuy áo cho con, hay vắt lại cái lai quần của chồng bị sứt chỉ? 
 
 
Còn vợ chồng phải chia sẻ việc nhà với nhau ư? Đó là điều hiển nhiên dù mẹ vẫn cho rằng mình thuộc lớp phụ nữ truyền thống vốn quen phục tùng chồng hơn là kêu đòi bình đẳng. Mẹ vẫn tiếc giá mà ngày xưa mẹ mạnh mẽ, quyết đoán hơn để có thể thuyết phục ba các con chia sẻ việc nhà cùng mẹ. Đồng vợ đồng chồng tát biển đông còn cạn huống gì phụ nữ mình vốn đã tổn hao sức lực quá nhiều cho những cái thuộc về “thiên chức”. Nhưng giá như chúng con có thể chia sẻ với nhau một cách tình cảm hơn, cả hai cùng làm rồi cùng nghỉ ngơi thì hay biết mấy thay vì cứ rạch ròi, sòng phẳng theo kiểu: tôi nấu cơm thì anh rửa chén, tôi cho con ăn thì anh có nhiệm vụ tắm cho con. Mẹ nói vậy nếu con không ưng cũng đừng để bụng nhé!
 
À, còn điều này mẹ muốn nhắn nhủ với con. Mẹ vốn quê mùa, công nghệ hay kỹ thuật tiên tiến mẹ chẳng rành nên không biết những thứ như điện thoại hay máy tính có sức hấp dẫn đến mức nào. Nhưng nhìn cảnh vợ chồng con ôm điện thoại hoặc máy tính hàng đêm (dù việc nhà đã hoàn tất) trong khi bọn trẻ lăn lóc xem ti vi đến chán rồi quay ra ngủ, mẹ cứ thấy chạnh lòng thế nào… Gần nhau mà lại như xa xôi là vậy bởi nằm cạnh nhau mà mỗi người theo đuổi một công việc yêu thích riêng. Chẳng cần nhiều con ạ, dành lại vài phút thôi để trao đổi cùng chồng, đùa giỡn với con trước khi ngủ, chắc chẳng quá khó nhưng hiệu quả tích cực của nó thì khó đong đếm được, phải không con? Là đàn ông chắc chồng con chẳng để ý đâu nhưng là phụ nữ, mẹ tin con đủ tinh tế và nhạy cảm để nhận ra những gì mà mẹ muốn nhắn nhủ.
 
Mẹ không có ý muốn thay đổi con theo ý mình mà trái lại, hãy phát huy những ưu điểm con đã và đang có. Chỉ mong những gì mẹ nói trên đây sẽ thực hiện nốt một nửa nhiệm vụ còn lại mà bức thư con gửi mẹ đã làm được một nửa trước đó: đưa mẹ con ta xích lại gần nhau hơn!
 
Sưu tầm



Qua Tang Online