Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Bạn cần biết

Ý nghĩa văn hoá trong truyền thuyết Ngưu lang Chức nữ

Đăng lúc 10:09 ngày 14/08/2013

Con trâu ngày đêm chung sống cùng con người, gần gũi với con người, nên nó đã trở thành đề tài bàn luận của con người trong những lúc trà dư tửu hậu, dần dần trong dân gian, xuất hiện những câu chuyện truyền thuyết về trâu, trong đó phổ biến nhất, lãng mạn nhất là câu chuyện mùng 7 tháng 7 âm lịch (thất tịch) ô thước bắt cầu cho Ngưu lang Chức nữ gặp nhau.


 

Con trâu ngày đêm chung sống cùng con người, gần gũi với con người, nên nó đã trở thành đề tài bàn luận của con người trong những lúc trà dư tửu hậu, dần dần trong dân gian, xuất hiện những câu chuyện truyền thuyết về trâu, trong đó phổ biến nhất, lãng mạn nhất là câu chuyện mùng 7 tháng 7 âm lịch (thất tịch) ô thước bắt cầu cho Ngưu lang Chức nữ gặp nhau.

Câu chuyện Ngưu lang Chức nữ có sớm nhất vào thời Tây Chu. Bài “Đại đông” trong “Kinh thi” viết: “Duy thiên hữu hán, giám diệc hữu quang. Xí bỉ chức nữ, chung nhật thất tương. Tuy tấc thất tương, bất thành báo chương. Hoản bỉ khiên ngưu, bất dĩ phục tương.” Đến sau đời Hán, câu chuyện này được lưu truyền khá phổ biến. Trong “19 bài thơ cổ” có bài “Thiều thiều khiên ngưu tinh” nói đến: “Thiều thiều khiên ngưu tinh, kiểu kiểu hà Hán nữ, khiên khiên trạc tố thủ, trát trát lộng cơ trữ, chung nhật bất thành chương, khấp thế linh như vũ. Hà Hán thanh thả thiển, tương khứ phục kỷ hứa, doanh doanh nhất thủy gian, mạch mạch bất đắc ngôn.” Trong “Phong tục thông” của Ứng Thiệu đời Đông Hán có ghi lại câu chuyện Ngưu lang Chức nữ gặp nhau trên cầu ô thước vào đêm thất tịch. Về sau trong những quyển sách sử, truyện thần thoại, tiểu thuyết, bút ký, thơ từ, ca phú đều có nói về câu chuyện này. Ngày nay, phổ biến nhất trong dân gian có hai lối kể.


Lối kể thứ nhất: Chuyện rằng Chức nữ là cháu gái thứ 7 của Tiên Đế, dệt gấm mây ở phía đông Thiên Hà, còn Ngưu lang thì chăn trâu ở phía tây Thiên Hà, hai người đều cần cù, cho nên Tiên Đế cho phép họ kết thành lương duyên. Sau khi cưới, họ chỉ lo vui chơi, Chức nữ không còn dệt áo nữa, Tiên Đế nổi giận, bèn chia cách hai người ở hai bờ Thiên Hà, cho quạ đến báo với họ rằng chỉ cho phép họ 7 ngày gặp nhau một lần, không ngờ quạ truyền báo sai thành mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng 7 mới được gặp nhau.

Lối kể thứ hai được lưu truyền rộng rãi trong dân gian hơn. Chuyện rằng Ngưu lang và Chức nữ yêu nhau ở cõi tiên, Vương Mẫu cho rằng họ đã vi phạm luật trời, đày Ngưu lang xuống trần chăn trâu. Một hôm, một con trâu già cho Ngưu lang biết Chức nữ cùng các nàng tiên sẽ xuống suối tắm, nó bảo Ngưu lang lấy trộm áo tiên của Chức nữ mang đi giấu, chờ Chức nữ lên tìm áo lưới trả cho cô và cầu hôn với cô. Ngưu lang làm theo và cưới được Chức nữ làm vợ. Sau khi cưới, Ngưu lang lo chăn trâu, Chức nữ lo dệt áo, hai người sống rất vui vẻ hạnh phúc, họ sinh được một trai một gái. Vương Mẫu biết chuyện, liền bắt Chức nữ về trời, Ngưu lang chỉ còn biết khóc than. Con trâu già thương tình nói với Ngưu lang, giết nó đi và lấy da của nó khoác lên người sẽ bay được lên trời. Ngưu lang y lời khoác da trâu lên người và gánh hai đứa con đuổi theo lên trời. Vương Mẫu rút cây trâm gạch một đường ngay sau lưng Chức nữ, tức thì thành con sông Thiên Hà ngăn cách đôi vợ chồng này. Họ đứng hai bên bờ nhìn nhau nước mắt đầm đìa, đau khổ vô cùng. Vương Mẫu thấy thương tình bèn cho phép họ mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch và cho chim ô thước bắt cầu qua Thiên Hà để họ đến với nhau.

Ngưu lang Chức nữ là một truyền thuyết đẹp, câu chuyện có mối liên quan mật thiết với cuộc sống con người. Con trâu trong truyền thuyết có tác dụng rất quan trọng, nếu không có nó chỉ vẽ, Ngưu lang không thể cùng Chức nữ kết duyên, nếu không có nó hy sinh tặng da, Ngưu lang cũng không thể đuổi lên tới trời, càng không thể có chuyện chim ô thước bắt nhịp cầu để họ mỗi năm gặp nhau một lần. Trong câu chuyện này, con người đã gán cho con trâu một bản lĩnh thần kỳ, con trâu già vốn là con vật thần ở trên trời nó xuống trần gian để giúp cho con người có cuộc sống hạnh phúc.

Sức mạnh thần bí thông hiểu trời đất của con trâu không thể tách rời sự sùng bái của người xưa đối với con trâu. Trong tín ngưỡng canh nông thời xưa, trâu được con là con vật thần thông, cho nên thường dùng nó để làm vật cúng tế trong những dịp tế tổ, tế đất, tế quỉ thần, tế sao ... Trong “Sử ký - Thiên quan thư” có viết: “Trâu là con vật dùng để tế lễ”, dường như là ám chỉ Ngưu lang trong chuyện thần thoại vốn là thánh vật - Con trâu - trong lễ cúng tế thời xa xưa, nhưng dần về sau ý nghĩa này càng bị lu mờ đi. Từ hình ảnh con trâu già nhiệt tình tinh linh, có địa vị quan trọng trong chuyện thần thoại, chúng ta vẫn có thể thấy con trâu được mang một sứ mệnh thiêng liêng, là nhịp cầu nối giữa trời và đất, người và tiên, con người cầu xin sức mạnh thần bí đó của nó, để cho thần linh ban phước xuống nhân gian, cho mưa thuận gió hòa, ngũ cốc phong đăng, thần hạ thái bình.

Câu chuyện thần thoại Ngưu lang Chức nữ tuy có liên quan mật thiết với việc cúng tế thời xa xưa và sùng bái thần sao, mang quan niệm thần thoại âm dương điều hòa, ruộng vườn tốt tươi. Sau này, theo đà suy thoái của tín ngưỡng nguyên thủy, quan niệm cổ xưa này cũng bị mai một dần, con người dựa trên hiện thực cuộc sống trai cày gái dệt, đã hòa quyện vào câu chuyện thần thoại này một lý tưởng cuộc sống đơn giản và một tình cảm mãnh liệt, dần dần được diễn dịch thành một câu chuyện thần thoại đẹp phản ánh về cuộc sống truyền thống lý tưởng và sự khát khao theo đuổi tình yêu hạnh phúc của người Trung Quốc, từ đó làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc.

Câu chuyện Ngưu lang Chức nữ đã phản ánh rõ nét cuộc sống lý tưởng của xã hội nông nghiệp trai cày gái dệt, tự cung tự cấp, vợ chồng chung thủy hòa thuận, con cái trai có gái có, cùng hưởng cuộc sống an lành của nhà nông, đàn ông ra ruộng cày cấy, đàn bà chong đèn dệt vải, cậu con trai và đứa con gái nô đùa bên bờ ruộng, một cảnh sống nhà nông an lạc, tự nhiên và giản đơn. Truyền thuyết Ngưu lang Chức nữ đi từ thần thoại trên trời xuống đến hiện thực dưới đất, đi vào cuộc sống trần tục của dân gian.

Truyền thuyết này được lưu truyền lâu đời có lẽ vì một lý do quan trọng hơn cả là Ngưu lang Chức nữ yêu nhau tha thiết nhưng lại bị ngăn cách chia ly suốt một năm dài đằng đẵng mà vẫn không thay lòng đổi dạ, họ cùng hướng về nhau, để rồi mỗi năm chỉ gặp nhau một lần rồi lại vội vã chia ly. Tình yêu của họ đã làm xúc động hàng ngàn trái tim, cô đọng lại nỗi thương tình, mong mỏi và ước mơ của hàng vạn con người. Ngưu lang Chức nữ càng trở thành đối tượng ca vịnh, bày tỏ tình yêu kiên trinh, nỗi ai oán và nỗi buồn lạc lõng của văn nhân thi sĩ bao đời nay.

Nhà thơ Đỗ Phủ có bài “Khiên ngưu Chức nữ”: “Khiên ngưu xuất hà tây, Chức nữ xứ kỳ đông ...... vạn cổ vĩnh tương vọng, thất tịch thùy kiến đồng. Thần quang cảnh nan hầu, thử sự chung mong lung.” Tần Thiếu Du người đời Bắc Tống cũng có bài “Thước kiều tiên”: “Khiên vân lộng xảo, phi tinh truyền hận, ngân hán diều diều ám độ. Kim phong ngọc lộ nhất tương phùng, tiện thắng khước nhân gian vô số. Nhu tình tự thủy, giai kỳ như mộng, nhẫn cố khước kiều qui lộ. Lưỡng tình nhược thị cửu trường thời, hựu khỉ tại triêu triêu mộ mộ!” Đỗ Mục nhà thơ đời Đường có bài “Thu tịch” cũng lấy bối cảnh của truyền thuyết này để miêu tả tâm trạng buồn tủi và cuộc sống cô quạnh của một cô cung nữ: “Ngân chúc thu quang lãnh họa bình, khinh la tiểu phiến phốc lưu huỳnh. Thiên giai dạ sắc lương như thủy, tọa khán khiên Ngưu Chức nữ tinh.” Cảnh tình bi ai của người trên trời và nỗi ai oán của kẻ dưới trần hòa quyện vào nhau, khiến người ta phải xót xa cảm thương, Ngoài ra, còn có bài “Yến ca hành” của Tào Phi, “Trướng võng từ” của Vương Hoán, “Động hộ” của Ôn Đình Quân, “Bích nga” của Lý Thương Ẩn….. đều ca thán cho chuyện tình trắc trở của Ngưu lang Chức nữ. Con người đã lấy Ngưu lang Chức nữ để phản ánh những chuyện tình ai oán, ly biệt và nỗi khao khát kỳ vọng tình yêu để làm nên những bài thơ bất hủ. Những bài thơ này lại làm tăng thêm nét đẹp thần bí và sự hấp dẫn của câu chuyện.

Mùng 7 tháng 7 Ngưu Chức tương hội đã trở thảnh ngày lành tháng tốt mà mọi người mong đợi và gọi “Thất tịch” thành “tuần lễ” để gọi chung cho ngày tốt thành hôn của những người yêu nhau, cầu ô thước cũng trở thành từ chỉ điểm hẹn của các đôi tình nhân.

Sưu tầm




Qua Tang Online