Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Mẹo vặt

Ăn trái cây nóng sao cho mát?

Đăng lúc 13:40 ngày 21/06/2013

Trái cây Nam bộ, mùa nào thức ấy, đặc biệt mùa hè nở rộ nhiều loại trái chín bổ dưỡng, cung cấp dồi dào năng lượng. Tuy nhiên, nhiều loại trái ngon, ngọt thường bị “buộc tội” là nguyên nhân gây ra rôm sảy, lở loét, chảy máu cam ở trẻ em hay sự nóng bức, khó tiêu ở người lớn.


 
BS Lương Ngô Hải Triều (khoa Hồi sức - Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM) tư vấn: Một số trái cây như xoài, nhãn, vải, sầu riêng đều được y học dân tộc khẳng định thuộc tính bình, không gây nóng trong người như dân gian truyền miệng. Song tùy vào cơ địa mỗi người, việc hấp thu một lượng đường đáng kể ở các loại trái ngọt này cần có hạn mức. Chẳng hạn, khi bạn dung nạp một lần từ 8 - 10 trái vải hay nhãn, một-hai trái xoài, múi sầu riêng thì điều này còn giúp “thắm da, mát thịt”, vì các chất vitamin phong phú và lượng đường tự nhiên trong trái cây có lợi cho sức khỏe. Nhưng nếu bạn dung nạp một lượng quá mức, ví dụ một người ăn cả kg vải, nhãn, xoài hay sầu riêng thì lượng đường trong các loại trái cây này sẽ làm tăng nhiệt cơ thể và gây nóng là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, những người có cơ địa nóng, da mẫn cảm, người bị tăng đường huyết, khi ăn nhiều trái cây, nạp thêm nhiều đường sẽ sản xuất thêm acid, giảm kháng thể, gây ra hiện tượng mụn đỏ hay dị ứng da.
 
 
Thực tế, hầu hết trái cây vùng nhiệt đới chứa nhiều nước có tác dụng hạ nhiệt cho cơ thể khi tiết trời nóng, cung cấp một nguồn năng lượng cao và bổ sung lượng vitamin tổng hợp vô cùng ý nghĩa cho cơ thể con người.
 
Theo BS Bùi Yên Trình (khoa Khám bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy), bạn nên ăn trái cây tùy theo thể trạng và sức khỏe của mình. Trước hết, bạn xác định cơ thể mình nhiệt hay hàn (nóng hay lạnh) để ăn trái cây như biện pháp điều hòa thân nhiệt. Người có thân nhiệt nóng thường có biểu hiện đổ mồ hôi trộm, nóng bứt rứt, đại tiện khó, nước tiểu vàng. Người thân nhiệt lạnh (hàn) có biểu hiện đại tiện lỏng thường xuyên, đi tiểu đêm nhiều lần, xương lưng và khớp gối thường lạnh. Đối với trái cây, trái loại mát thường có vị chát, chua, ít ngọt, trái loại nóng rất nhiều béo và nhiều vị ngọt.
 

 

Thực tế, trái cây vùng nhiệt đới hầu hết thuộc tính bình, ngọt vừa, béo vừa (như sầu riêng), nên người có cơ địa bình thường khi dung nạp lượng trái cây vừa đủ là rất tốt cho cơ thể. Đối với người cơ địa hàn thì nên ăn trái cây tính nhiệt hoặc bình, người cơ địa nhiệt thì bổ sung trái cây tính hàn để hạ nhiệt cơ thể. Nếu bạn dung nạp thuận chiều với cơ địa hay ăn quá nhiều một loại trái cây mát, nóng cũng đều bất lợi. Một khẩu phần ăn hợp lý là đủ lượng đường, đạm, chất béo, khoáng chất, chất xơ, nếu bạn nạp quá nhiều đường hay quá nhiều chất béo, nhiều năng lượng sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa, thức ăn khó tiêu, bạn bị mất ngủ sẽ dễ nóng nảy cáu gắt, phát sinh mụn nhọt. Ngược lại, bạn ăn trái cây nhiều chất xơ, sinh tố, khoáng chất nhưng không nạp đủ lượng calori cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể, trầm cảm, âu lo.
 
Vậy nên, trái cây “không có tội”, nhất là những trái cây bị “kết án oan” vào mùa hè. Bạn nên dùng loại trái cây thích hợp cơ thể, dung nạp một lượng vừa đủ và phong phú, sẽ có lợi cho sức khỏe.
 
Sưu tầm



Qua Tang Online