Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Đặc sản quê tôi

Bánh gạo rang

Đăng lúc 14:51 ngày 18/06/2008
Photo
Ngày nay có khá nhiều loại bánh kẹo ngon nhưng người dân Vĩnh Phúc vẫn rất ưa chuộng bánh gạo rang. Vừa hợp với hội hè, đình đám lại dễ bảo quản và làm quà biếu gửi đi xa cũng thuận tiện.
 


Ở vùng Lập Thạch có nhiều nơi làm bánh gạo rang nhưng sản phẩm từ làng Tiên Lữ làm ra là thơm ngon nhất đã trở thành đặc sản của cả vùng.

Gạo nếp ngon được ngâm trong nước làm bánh giò, sau đó vớt ra để khô rồi tiếp tục ngâm vào nước vò lá trầu không cùng quả dành dành để lấy màu cùng mùi vị đặc trưng và cũng làm tăng độ nở. Khi hạt gạo đã nở to và có màu vàng nâu thì vớt ra đãi sạch rồi đem nấu thành xôi. Xôi chín, dỡ ra mâm dàn thật mỏng, tơi. Đợi xôi thật nguội, tưới chút dầu, mỡ trộn đều rồi chuyển sang vỉ buồm, dùng chày vồ đã thoa mỡ đập thật đều tay, vừa đập vừa đảo liên tục làm cho các hạt xôi nếp đều bẹp ra mà không dính vào nhau. Đem hong cho thật khô giòn đến khi có thể sàng sẩy được thì cho vào chảo rang thành bỏng phồng to lên.

Mật mía, dùng loại mật giọt chưa lắng đường cái đem đun đến độ kết giọt, thả vào nước lã cũng không tan. Đổ xôi bỏng phồng vào đảo đều, cho thêm chút dầu thơm, tiếp tục đun lửa nhỏ và đảo kỹ đến khi mật bám đều vào các hạt xôi bỏng và nóng đều thì bắc nhanh ra, đổ vào mâm đồng hoặc ván gỗ nhẵn bóng đã thoa mỡ chống dính. Dùng ống tre dàn đều ra mỏng dầy tuỳ ý. Sau đó lấy thước và dao mỏng lưỡi khía kẻ bánh ra từng miếng cho hợp với thị hiếu và ý thích. Có thể là những món bánh hình vuông, hình tam giác, hình thoi...rộng dài tuỳ ý.

Bánh gạo rang ăn thơm, giòn không ngọt gắt nên hợp khẩu vị với cả người già và trẻ nhỏ. Gói bánh từng chục chiếc bằng lá chuối khô hoặc cho vào túi nilông sẽ bảo quản được khá lâu mà vẫn thơm giòn, nên những người con ở vùng quê hương Lập Thạch dù sống xa nhà hàng ngàn cây số vẫn được gia đình gửi cho đặc sản quê nhà còn nguyên hương vị.


Qua Tang Online