Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Nghệ thuật sống

Mắng con

Đăng lúc 10:53 ngày 13/08/2013

Chiều đi làm về, anh thường nghe em quát mắng con: nào là con với cái lớn rồi mà chẳng được tích sự gì, ăn xong có mỗi cái bát cũng mang vào chậu; nào là không biết xót tiền hay sao mà chưa đến tối điện đã sáng trưng khắp nơi, nào là…


 
Chiều đi làm về, anh thường nghe em quát mắng con: nào là con với cái lớn rồi mà chẳng được tích sự gì, ăn xong có mỗi cái bát cũng mang vào chậu; nào là không biết xót tiền hay sao mà chưa đến tối điện đã sáng trưng khắp nơi, nào là…
 

Dù rất khó chịu vì những lời lẽ của em nhưng anh đành làm thinh vì biết em đang bực, đang muốn “xả”, nếu anh chặn lại em sẽ quy cho anh cái tội bênh con. Anh cũng không muốn con nghĩ trong mọi việc chúng luôn có bố là đồng minh. Điều quan trọng hơn là anh không muốn vợ chồng mình to tiếng với nhau trước mặt mẹ.

 

Em ạ, anh cũng biết một ngày làm việc của em dài hơn nhiều người khác: công việc ở công ty với cường độ cao, áp lực về tiến độ; về nhà lại phải lo đủ thứ. Công việc của anh đi sớm về muộn, không phụ được cho em. Hai thằng con trai lớn tướng nhưng còn ham chơi, chẳng những không đỡ đần cho mẹ mà còn luôn bày bừa ra để mẹ phải dọn dẹp… Đầu óc căng thẳng, mệt mỏi nên em rất dễ cáu gắt, bực bội, từ những chuyện rất nhỏ.
 


Nhưng, thật sự là anh không hài lòng với cách em quát mắng con bằng những lời lẽ khó nghe như vậy. Việc con quên cất bát, hay vào nhà vệ sinh quên tắt điện… em có thể nhẹ nhàng nhắc nhở, chứ không phải là quy thành tội để phê phán, chỉ trích con. Những lời quát mắng ra rả của em chẳng những con không sợ mà vô hình trung còn biến em thành một người mẹ dữ dằn trong mắt con. Đôi lúc, những lời quát mắng của em còn vô tình đụng chạm đến cả mẹ. Vợ chồng mình đã thống nhất đón mẹ lên đây cho mẹ có điều kiện nghỉ ngơi, nhưng em cứ mắng con suốt ngày khiến mẹ đâm ra nghĩ ngợi. Hôm trước, mẹ đã bảo với anh hay để mẹ về quê… chứ ở đây mẹ thấy bất tiện cho các con. Người già vốn cả nghĩ và dễ chạnh lòng. Ngay cả anh nhiều lúc cũng có cảm giác vợ đang ám chỉ mình, dù anh biết em không cố ý làm việc đó.
 
Trước đây, anh đã nhiều lần nhắc em, con đã lớn hãy để con va chạm cuộc sống, dạy con làm việc nhà nhưng em cứ khăng khăng là thả ra sợ con hư hỏng, nhìn con làm lóng nga lóng ngóng thà mình làm quách cho đỡ mất thời gian. Lần đầu con rửa bát bị rơi vỡ, em quy cho con cái tội đểnh đoảng, bất cẩn rồi “đuổi” con ra. Anh bảo con đi gấp quần áo thì em giành lấy, bảo để cho con nó học. Cứ thế, em ôm hết việc vào mình rồi kêu khổ, kêu sở… Thấy em quá bận rộn, anh bàn chuyện thuê người giúp việc, em nhất nhất phản đối: có người lạ trong nhà phức tạp lắm. Cứ thế, em tự cuốn mình vào cái vòng luẩn quẩn: căng thẳng vì công việc, làm nhiều đâm ra hay nói, nói nhiều chồng con kêu nhức tai… rồi lại căng thẳng hơn.
 
Những lời anh cảnh báo em giờ đang thành hiện thực rồi đấy. Hai thằng con trai lớn tồng ngồng nhưng nấu bát mì cũng phải chờ mẹ. Anh nói ra không có ý phê phán hay trách móc gì em, chỉ mong em thay đổi cách dạy con khi chưa quá muộn. Anh biết em đang có những kỳ vọng lớn lao đặt vào con, nhưng trước khi làm được những việc lớn lao, con phải tự làm được việc đơn giản nhất là chăm sóc bản thân mình.
 
Sưu tầm



Qua Tang Online