Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Nghìn lẻ một kiểu chân gà

Đăng lúc 10:42 ngày 20/09/2006
Photo
Gà là con vật có linh hồn trong văn hóa ăn uống người Việt. Mỗi buổi sáng tinh mơ từ tờ mờ đất, tai đã nghe rộn ràng tiếng gà gáy ò ó o báo thức của gà. Khi thì chú gà trống choai oai vệ, lúc khác lại một chú gà mái đầy bao dung, chăm sóc đàn con.
 


Thậm chí trong kiến trúc nhà cửa, người ta còn đặt hình tượng con gà lên mái nhà, với ngụ ý xua đuổi tà ma, điềm hung tin cho gia chủ. Và trong lĩnh vực ẩm thực có đến hàng trăm món ăn ngon được bắt nguồn từ con gà hiền lành. Nếu thịt gà được ưa chuộng thì chân gà không được ưa chuộng lắm ngoài đám đệ tử lưu linh.

Không nhiều người xem chân gà là món ăn ngon, bởi ít nhiều có quan niệm xấu về phần cơ thể này, cho rằng nó tiếp xúc thường xuyên với mặt đất, nên ít nhiều dơ bẩn, cần chặt bỏ không nên ăn lấy. Thực tế thì ngược lại, chân gà nếu được chế biến đúng cách thì là món ăn không gì ngon bằng. Ở Sài Gòn có một dạo nhiều quán nhậu vỉa hè, có thêm món “chân gà giò hấp hành”. Có lẽ chân gà đã được luộc sẳn với thuốc muối cho mau mềm. Khi có người ăn chủ quán nhanh tay, lấy từng cặp chân gà, thêm một cọng hành trắng, đặt các thứ lên nồi hấp, độ 10 phút hoặc nhanh hơn là có món chân gà hấp thơm lừng. Thật là khoái khi được cầm nguyên cái chân gà giò, đưa lên tận miệng, vừa nhai, vừa xé từng xớ thịt nóng hổi. Đã vậy, nếu không quá bận tâm, có thể chấm nguyên cái chân gà vào bát muối tiêu chanh, để cảm nhận rõ rệt nhất mùi vị nó ngon như thế nào.

Nếu nhà có khách, mà lại trúng ngày cuối tuần thì tiện lợi vô cùng. Chỉ cần mua khoảng dăm cặp chân gà giò, mấy quả xoài xanh, cà rốt, củ cải trắng, rau thơm các loại, thêm ít phụ gia đi kèm, thế là sơ sơ cho món “gỏi chân gà” được tái sinh. Trước tiên, gói chân gà bằng những tàu lá sả già, sau đó cho thêm chút muối vào nồi nước, cho chân gà chín, bóc gỡ lá sả, vảy ráo nước, dùng tay bóc rút xương chân, xé thịt thành sợi dài. Xoài xanh rửa sạch vỏ, không cần gọt cứ thế bầm thành các sợi nhuyễn. Cà rốt, củ cải, cạo vỏ, xắt hạt lựu. Cho các thứ nguyên liệu vào một cái đĩa sâu lòng, trộn đều. Đường và nước mắm ngon, phân lượng bằng nhau nấu chung đến khi sền sệt thì để nguội. Chế nước mắm này vào đĩa gỏi, trộn đều. Tỏi bằm, ớt bằm, me giã nát, nước chanh vắt, trộn chung vào gỏi. Sau cùng trộn đều đậu phộng rang giã dập lên. ắon “gỏi chân gà” ăn với bánh phồng tôm nóng mới ngon, cảm giác cay, chua, mặn, ngọt hoà quyện vào nhau, khiến càng ăn càng ngon không chán.

Với những ai đi tìm sự khác lạ trong ẩm thực, thì ngoài các thứ rượu đã uống, hãy một lần nếm thử “rượu mào gà”. Chế biến món rượu này xem chừng không đơn giản. Chọn con gà sống thiến, gà giò hay gà đang nhú cựa càng tốt. Thả gà vào sân, một chân con gà buộc vào một cái trụ cắm giữa sân. Ngoài ra thả thêm một chú chó hơi dữ vào trong sân. Chó thấy gà như thấy kẻ thù, bèn lao vào cắn. Gà chẳng phải vừa bèn lao vào đánh trả, đôi bên kẻ tám lạng, người nửa cân dường như không muốn thúc thủ. Cứ thế, gà vừa bay, vừa mổ, vừa cắn, vừa bấu vuốt… đến lúc mệt nhoài. Vàl úc này , người chế rượu bèn mạnh tay chặt phăng đôi chân gà, hứng máu cho vào trong bình rượu. Hình thức này là để sức mạnh của gà truyền vào đôi chân. Do chân gà hoạt động liên tục, máu gà được dồn vào chân chính là thứ máu quý nhất cho món rượu bổ. Có thể uống ngay hoặc ngâm chung với ruợu thuốc để lâu uống cũng được. Rượu có tác dụng mạnh trong việc tăng cường sinh lực, mạnh gân cốt và cơ bắp. Nghe tin này nhiều quý ông nên thử một lần để kiểm nghiệm xem sao.

Ngoài những điều viết ra trên đây, còn có rất nhiều món ngon liên quan đến chân gà như món: Chân gà rút xương nướng mật ong, chân gà rút xương, chân gà xào sả ớt…món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn và còn nhiều, nhiều nữa trong những món ăn ngon trong cuộc sống quanh ta đang dần dần bước ra ngoài ánh sáng. Ăn uống không đơn giản, nó còn bao hàm một nghệ thuật sống.


Qua Tang Online