Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Thông tin ẩm thực

Sài Gòn lẩu

Đăng lúc 10:19 ngày 06/10/2006
Photo
Ngày nay, lẩu không còn là món ăn quá cao cấp, chỉ dành cho giới thượng lưu. Đặc biệt là ở Sài Gòn, khi đời sống xã hội ngày càng nâng cao, mọi người càng có nhu cầu thưởng thức những món ăn ngon, lạ miệng thì lẩu càng là món ăn không thể thiếu.
 


Nói vể lẩu, có lẽ không đâu tập trung nhiều quán lẩu như ở Sài Gòn. Thôi thì đủ các lọai lẩu: lẩu mắm, lẩu Thái, lẩu cá kèo, lẩu thập cẩm, lẩu hải sản… Lẩu tập trung ở nhiều "con đường ": Bà Huyện Thanh Quan, Đại lộ Nam Sài Gòn… và rải rác ở một số nơi khác các quán lẩu cũng "có tiếng": lẩu dê Trương Định, lẩu dê Tư Trì (khu Thanh Đa)...

Những ai đã một lần thưởng thức lẩu Thái có lẽ khó quên được hương vị rất đặc trưng của nó với mùi thơm của gừng và lá chanh tươi cùng độ cay nồng của ớt. Lẩu Thái được nhiều người Sài Gòn ưa chuộng cũng bởi cái hương lạ, độc đáo của nó. Một nồi lẩu Thái đúng nghĩa không thể thiếu tôm sú bóc vỏ, nấm rơm, cà chua, ớt tươi, ngò, tỏi, hành, lá chanh, sả, riềng, rau muống...

Nấu lẩu Thái phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, bắc nồi lên bếp, cho dầu vào, đợi dầu thật nóng, cho hành tỏi vào phi thơm, bỏ riềng, sả, ớt vào xào, nêm gia vị cho thấm,… Sau đó đổ nước sôi vào nồi lẩu, lược lại nước dùng để nước trong hơn. Cuối cùng, cho tôm, cà chua, nấm rơm, lá chanh vào. Chỉ một lúc sau, chúng ta đã có thể thưởng thức một nồi lẩu Thái thơm ngon, cay nồng, ăn kèm với bún, nước mắm, rau muống. Cái vị cay nồng ấy cùng với vị ngọt thơm, chua chua của nước lẩu sẽ giúp bạn có bữa ăn ngon miệng và "ghiền", lần sau lại tìm đến lẩu Thái...

Muốn ăn lẩu cũng với vị chua chua nhưng ít cay hơn, bạn có thể tìm đến lẩu hải sản. Nguyên liệu của nồi lẩu hải sản cũng khá phong phú: cua biển, mực tươi, sò điệp tươi, tôm sú, cá chẽm, hỗn hợp hải sản, hành, lá chanh, cà chua, húng quế, nấm rơm, ớt, gừng, đường,… Cách nấu lẩu hải sản cũng đơn giản: đun nước sôi rồi bỏ gừng, hành, lá chanh... vào. Sau đó, nêm lại với nước mắm, đường, cho rau húng quế vào, đun lửa nhẹ, tắt lửa và vắt nước chanh vào cho có vị thơm của chanh. Lẩu hải sản ăn với bún, nước mắm và ớt tươi.

Ở Sài Gòn, bạn cũng có thể đến khu Sư Thiện Chiếu - Bà Huyện Thanh Quan để thưởng thức món đặc sản lẩu cá kèo. Với nồi nước lẩu đầy đủ gia vị được chuẩn bị sẵn, bạn sẽ tận mắt "mục sở thị" nhận viên của quán cho những con cá kèo còn sống vào nồi lẩu ngay tại bàn. Chờ đến khi cá chín là bạn đã có thể thưởng thức cái vị chua chua của lá giang, vị ngọt của cá kèo và mùi thơm của gia vị trong nồi nước lẩu. Khác với lẩu Thái và lẩu hải sản, lẩu cá kèo thường được ăn kèm với bún gạo, nước mắm, ớt...

Vào quán lẩu ở Sài Gòn, không chỉ đơn thuần ăn lẩu mà bạn cũng có thể ăn những món xào, món nướng... kèm theo. Và những món "phụ" này cũng giúp bạn có bữa ăn ngon miệng không kém "món chính" là lẩu...


Qua Tang Online