Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Văn hóa muối

Đăng lúc 10:53 ngày 04/10/2006
Photo
Nước Việt Nam ta nằm ở vị trí vô cùng thuận lợi với đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Hầu như những địa phương giáp với Biển Đông đều có nghề đánh bắt thủy hải sản khá phát triển. Những khu đất trống ven biển là những đồng muối lộ thiên khá lớn.
 


Muối đi vào dân gian văn hóa, đi xuyên xuốt chiều dài lịch sử. Người ta có thể không ăn thịt động vật nhưng không thể thiếu muối. Hầu như muối đi theo người, gắn chặt vận mạng con người từ lúc chào đời đến khi về cõi vĩnh hằng. Trong các cỗ cúng, bao giờ gạo, nước, muối cũng được đặt trong ba cái lọ, đặt cạnh nhau.

Trong nghệ thuật ẩm thực, muối được ướp chung với cá tươi, sáng tạo cho người Việt một món ăn phong phú là mắm nước mắm. Không phân biệt giầu nghèo, mọi gia đình người Việt đều bình đẳng trước chén nước mắm. Có thể nói không ngoa rằng, nếu như người Việt Nam không ăn nước mắm Việt thì cũng như không hiểu sâu sắc được cái cội nguồn, chiều sâu văn hóa của linh hồn Việt Nam. Trong mọi món ăn, đều ít thấy có sự xuất hiện của muối. Muối làm hài hòa bản sắc món Việt nói chung và thức ăn Huế nói riêng.

Ở Huế, món ăn được mọi người tâm đắc nhất có lẽ phải kể đến "cơm muối". Nghe đến tên đã biết món ăn gồm những thức gì, tưởng có vị nhạt nhẽo nhưng có dự một bữa tiệc cơm muối đúng nghĩa Huế mới thấy người nội trợ Huế tài hoa như thế nào. Món ăn này, chứa đựng một bảo tàng văn hóa về muối. Người Huế vốn tự hào về chốn cố đô, ăn uống cầu kỳ sang trọng, người Huế có một phong cách ăn uống riêng. Các cỗ tiệc Huế thường đa dạng về chất lượng món ăn, nhưng mỗi món ăn chỉ đơm vừa một chén con con, vừa đúng một đũa gắp. Ăn là ăn hoa ăn cảnh, không hẳn để ăn no cái bụng.

Gạo để nấu cơm muối là loại gạo tốt từ các làng quê ngoại ô Huế. Gạo được đem vo đãi cho thật sạch trấu, cát. Sau đó, để xâm xấp mặt nước ngang trên gạo một đốt ngón tay là vừa đủ để nấu thành cơm. Cơm muối nấu vừa chín tới, gạo thơm quyện mùi. Xới cơm bằng đũa cả ra các chén cơm nho nhỏ. Công đoạn làm muối để ăn với cơm cũng đượm vẻ công phu. Không đơn thuần là một món muối, mà con số là hàng chục món như muối vả, muối hành khô, muối sả, muối ớt, muối gừng, muối gan (gan heo luộc chín, giã nát trộn chung với muối bột), muối tôm (tôm non, rang vàng, nghiền mịn, trộn chung với muối), muối sung, muối xoài, muối ruốc vv…Mỗi chén muối chỉ vừa đủ cho một vắt cơm. Ăn cơm muối để cảm nhận được cái tinh túy, tài hoa và kinh nghiệm sống phong phú của người Huế được truyền thế hệ này sang thế hệ khác.

Một món ăn khác cũng không kém phần thú vị là món "Gà hấp muối". Món ăn này chỉ có gia vị mỗi muối, nhưng theo phương pháp nấu nướng này kết quả thu được rất đáng tự hào. Con gà sống được làm sạch lông, mổ moi tinh tươm. Dùng một cái nồi đất rộng, lau rửa thật kỹ sau đó phơi nắng cho thật ráo. Trải một lớp muối dầy cỡ một đốt ngón tay cái người lớn, trải thật bằng ngay dưới đáy nồi đất, sau đó đặt cả con gà sống lên trên bề mặt muối, đậy chặt vung nồi. Bắc nồi lên bếp, đun lửa vừa, đun lửa củi càng ngon. Sau độ hơn một tiếng đun liên tục, chừng nghe trong nồi bay ra ngào ngạt mùi thịt gà chín thơm phức là quá trình nấu đã thành công. Món "gà hấp muối" thường có màu vàng ươm phần da, thịt chín không bị cháy khét, đặc biệt nhờ hấp thụ phần muối hạt bên dưới trong quá trình đun nấu khiến cho cả con gà bị quay một cách tự nhiên mà không phải trực tiếp qua ngọn lửa, thịt mềm không quá dai và không cần phải chấm với bất cứ thứ gia vị nào khác.

Một hạt muối giữa biển khơi thì vẫn là một bản thể mờ nhạt. Nhưng với tác dụng diệu kỳ của muối con người luôn biết ơn muối bởi tính thiết thực và lợi ích mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho cuộc sống con người chúng ta hôm nay.


Qua Tang Online