Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Khác

Vui tết trung thu ở Hà Nội

Đăng lúc 22:46 ngày 12/09/2013

Ngoài rước đèn, phá cỗ, trung thu còn là dịp đi chơi, ngắm trăng bởi đây là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Ở Hà Nội, dù rằm tháng 8 mới là ngày chính hội nhưng trước đó cả tháng, không khí trung thu đã tràn ngập khắp các con phố.


 

Ngoài rước đèn, phá cỗ, trung thu còn là dịp đi chơi, ngắm trăng bởi đây là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Ở Hà Nội, dù rằm tháng 8 mới là ngày chính hội nhưng trước đó cả tháng, không khí trung thu đã tràn ngập khắp các con phố.

1. Mua sắm
Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, Tết Trung thu đã được sửa soạn rộn ràng ở hầu khắp các gia đình, trong đó quan trọng và phổ biến nhất là các loại bánh nướng, bánh dẻo. Bên cạnh các cửa hàng bánh trung thu như Kinh Đô, Long Đình, Hữu Nghị bày la liệt các dãy phố thì các địa chỉ làm bánh trung thu truyền thống lại gợi nét cổ truyền.
 
Nổi tiếng nhất là tiệm bánh gia truyền Bảo Phương nằm trên đường Thụy Khuê. Nếu muốn mua bánh trung thu ở đây bạn phải xếp hàng chờ đến lượt. Xung quanh khu vực phố cổ, có hiệu bánh Bà Dần vốn quen thuộc với nhiều thế hệ đi trước. Ngoài ra còn có tiệm bánh Phương Soát (Hàng Chiếu), Ninh Hương (Hàng Điếu).
Hàng Mã là con phố nhộn nhịp bậc nhất thủ đô mỗi dịp trung thu. Ảnh: TBKTSG
 
Điểm đặc biệt của những chiếc bánh gia truyền là hương vị thơm ngon truyền thống. Tuy không được bắt mắt và phong phú như bánh trung thu công nghiệp hiện nay, bánh cổ truyền lôi kéo thực khách bởi cách chế biến thủ công từ khâu quấy bột, làm nhân, đóng khuôn, nướng và gói bánh. Người ăn như cảm nhận được hương xưa trong nhân bánh đậu xanh, thịt mỡ, lạp xưởng quyện đều. Hơn nữa, bánh trung thu truyền thống giá cả khá mềm, chỉ dao động 40.000 – 80.000 đồng một chiếc.
 
Trung thu còn là dịp trẻ em được người lớn sắm quà chơi Tết. Địa chỉ quen thuộc lúc này là các cửa tiệm trên phố Hàng Mã. Bạn có thể tìm thấy ở đây đủ các loại đồ chơi từ thủ công truyền thống đến nhập ngoại. Trong đó được yêu thích nhất là các loại đèn lồng, đèn ông sao, mặt nạ. Có điều kiện hơn bạn có thể sắm thêm đèn kéo quân, đầu lân, súng phun nước...
Các món đồ chơi truyền thống luôn có sức hút riêng. Ảnh: vietq
Nếu yêu thích các món đồ chơi truyền thống và muốn tìm mua một chiếc mặt nạ giấy bồi, bạn có thể tìm đến gia đình ông bà Hòa – Lan trên phố Hàng Than. Với hơn 30 kinh nghiệm trong nghề, những chiếc mặt nạ giấy bồi sẽ mang đến cho bạn một thế giới sống động trong muôn vàn vẻ mặt, ẩn chứa bên trong là không khí trung thu đầm ấm, cổ truyền. Chỉ từ 25.000 đến 40.000 đồng, bạn đã có thể sở hữu một chiếc mặt nạ giấy bồi chơi trung thu ý nghĩa.
 
2. Vui chơi
Trung thu năm nay có rất nhiều sân chơi và hoạt động lý thú được tổ chức ở Hà Nội. Ba địa chỉ vui chơi trung thu trong trung tâm thành phố dành cho bạn và gia đình là phố cổ Hà Nội, triển lãm Giảng Võ và bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Từ ngày 13 đến 19/9, tại các điểm di tích của phố cổ sẽ diễn ra các chương trình Tết Trung thu truyền thống phố cổ Hà Nội 2013. Nếu yêu thích nghệ thuật làm các con giống bằng giấy bồi bạn có thể đến đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc, còn muốn học làm đồ chơi truyền thống, đình Đồng Lạc là nơi cần đến. Tại ngôi nhà Di sản trên phố Mã Mây bạn sẽ được giới thiệu về tranh Đông Hồ đề tài thiếu nhi và cách chơi trò chơi Trí Uẩn.
Không gian trung thu truyền thống được tái hiện ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Khánh Huyền.
 
Là một trong những địa chỉ vui chơi của thiếu nhi vào các dịp lễ tết, năm nay bảo tàng Dân tộc học trên đường Nguyễn Văn Huyên tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi chào đón Trung thu trong 2 ngày 14 và 15/9. Đến đây, bé và gia đình không chỉ được tìm hiểu thêm văn hóa truyền thống về Tết trung thu mà còn được tham gia làm đèn kéo quân, nặn hoa quả bằng đất, cắt tỉa và bày mâm ngũ quả. Với chủ đề “Vui trung thu cùng khám phá Đông Nam Á”, ở đây còn biểu diễn các chương trình hát múa đặc sắc của các nước Lào, Campuchia, Thái Lan.
 
Tại trung tâm Triển lãm Giảng Võ các hoạt động vui tết Trung thu sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 18/9/2013. Bạn sẽ được xem trình diễn múa lân và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian cùng các trò chơi truyền thống như rước đèn, thi thổi cơm, đấu vật. Ngoài lễ hội Trung thu phá cỗ, trình diễn thời trang giấy, các bé sẽ được hướng dẫn làm bánh và một số loại đồ chơi Trung thu truyền thống. Đến đây, khách tham quan còn được thưởng thức những món ăn, đặc sản từ nhiều miền quê trên cả nước tại khu ẩm thực hay chiêm ngưỡng những món đồ xinh xắn tại "khu handmade".
Theo - Kim Anh - dulich.vnexpress




Qua Tang Online