Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Đặc sản quê tôi

Kê - đặc sản đường phố

Đăng lúc 11:35 ngày 15/05/2007
Photo
Trong thời đại hội nhập kinh tế hiện nay, một món ăn bình dân muốn hấp dẫn thực khách thì cần có một thương hiệu khác biệt hoặc ít nhất là có chỉ dẫn địa lý đặc trưng.
 


Nghĩa là nếu không gán được cho món ăn cái tên bà nọ ông kia, người ta cũng phải gắn nó với địa danh làng quê huyện thị nào đó mới mong thực khách chú ý tới. Vậy mà có một món ăn từ bao nhiêu năm nay vẫn chỉ có độc cái tên trơ trọi mà vẫn hấp dẫn người Hà Nội đều đều: Bánh đa kê.

Người ta coi bánh đa kê mặc định là một món quà vặt, ăn cho đỡ nhạt miệng trong buổi chiều rảnh rỗi. Hạt kê nhỏ li ti được sàng sảy kỹ càng, ngâm nước vôi rồi bỏ vào nồi nấu như cháo đặc, phết lên một mảnh bánh đa nướng. Tuỳ theo tiền khách đưa mà người bán bẻ mảnh bánh đa to như bàn tay hay bé như bao diêm. Hết lớp kê sẽ là một lớp đậu xanh. Đậu xanh đồ chín, giã thật mịn, nắm thành những nắm thật chặt tay, giống thứ đậu vẫn thấy khi ăn xôi xéo. Người bán hàng lấy con dao nhỏ phạt phạt bên rìa nắm đậu, những lát đậu mỏng màu vàng nhàn nhạt rơi lả tả phủ lên lớp kê nâu sẫm. Cuối cùng là một lớp đường mỏng, nhất định phải là đường trắng mịn để khi ăn gây hiệu ứng âm thanh. Rồi người bán ghé cái sống dao vào giữa mảnh bánh đa đã dày lên trông thấy ấy, ấn nhẹ để chia nó làm hai nửa, úp vào nhau. Người ăn phải ngay lập tức đón lấy chiếc sandwich lạ lùng ấy và cắn. Miếng bánh đa kêu "rốp" một cái, những hạt đường nhỏ lạo xạo trong miệng, cái mùi vị ngang ngang của kê ngâm nước vôi được vị ngọt của đường cùng mùi thơm của đậu xanh và bánh đa làm dịu đi. Một loáng sau, miếng bánh đa kê đã trôi tuột xuống bụng, chỉ còn lại mấy mảy đậu và tí tẹo đường dính lại quanh miệng. Người bán thì đã nhận số tiền lẻ một đôi ngàn và đi mất rồi, muốn ăn thêm cũng không được, đành liếm mép chờ lần sau gặp thì lại ăn vậy!

Sở dĩ phải chờ lần sau gặp là vì không có quán hàng cố định nào bán bánh đa kê cả. Món ăn này 100% thuộc về đường phố, thuộc về vỉa hè. Một người phụ nữ, có thể trẻ, có thể lớn tuổi, hoặc một tay cắp rá một tay xách túi bánh đa, hoặc chở thúng ở yên sau xe đạp và đặt túi bánh đa trước giỏ, đi rong khắp phố với một tiếng rao vừa đủ nghe, ai để ý thấy thì gọi lại mua, không thì thôi. Món ăn bình dị đến rồi đi rồi khiến người ta phải thòm thèm bằng cái cách khiêm nhường chừng mực như thế.

Xét kỹ ra, cái tên “bánh đa kê” có lẽ không được đầy đủ cho lắm. Món ăn này phải có tên là “bánh đa kê đậu xanh đường” mới đúng. Nhưng ấy là kiểu đặt tên theo thành phần công thức cứng nhắc rồi, những người khách ăn thường xuyên chẳng dài dòng như thế bao giờ, thường họ chỉ gọi món này bằng một chữ “kê” gọn lỏn. Thì người ăn với món ăn cũng như bạn bè thân thiết ấy mà, biết nhau quá rồi, thân nhau quá rồi, gọi nhau bằng tên tục, bằng nickname thôi, cần gì phải gọi cả tên họ lẫn tên đệm nhau ra…


Qua Tang Online