Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Đặc sản quê tôi

Kính thưa các món dông

Đăng lúc 08:37 ngày 14/09/2006
Photo
Chuyện bắt dông và làm món ăn từ dông có ở nhiều nơi, riêng ở Phú Yên quê tôi nhắc đến thịt dông phải nói đến món chả dông ở phường Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa. Mùa hè, dông xuất hiện nhiều và thịt ngon nên người dân ở đây gọi mùa này là mùa dông.
 


Con dông trông tựa rắn mối hay kỳ nhông. Để bắt được dông, thường có hai cách là đào cát và câu. Nếu dùng cách thứ nhất, người đào dông phải tìm đến những bãi cát ven biển có cỏ mọc. Khi quan sát thấy có những miệng hang rộng chừng cổ tay, xung quanh hang có dấu đuôi dông bò trên cát thì đó là hang dông.

Muốn bắt được dông họ phải dùng cuốc, xẻng đào đến tận cùng hang. Cách thứ hai, người đi bắt dông có thể dùng cần làm bằng tre có buộc một sợi cước hoặc sợi chỉ chắc được thắt vòng tròn đặt xung quanh miệng hang, giữa vòng tròn có một cái chốt. Các chú dông khi ra khỏi hang kiếm ăn hay uống những giọt sương đọng trên những lá cỏ thì đụng vào chốt làm cho vòng dây cước thắt ngang hông...

Khi có trong tay khoảng chục con dông trở lên, người dân Phú Yên thường làm món chả dông. Sở dĩ làm món này cần 10 con trở lên vì nếu ít quá thì… phí công chế biến. Trước hết phải chặt đầu, lột da dông. Muốn lột da dông cho dễ thì dùng dao rạch một đường giữa bụng từ cổ xuống đuôi, sau đó bỏ bộ lòng, chặt bớt đuôi và bốn bàn chân. Chú ý, khi làm dông phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vì dông làm xong không được rửa bằng nước lã để khỏi tanh. Thường người ta dùng lá chuối lót khi làm dông để giữ vệ sinh.

Thịt dông sau khi làm sạch được bằm nhuyễn hay quết dẻo cùng các loại gia vị như: ớt bột, hành, tiêu, tỏi, mỡ heo hay dầu ăn. Sau đó trộn hỗn hợp thịt dông cùng gia vị với một ít nấm mèo và bách thảo đã cắt nhỏ, rồi dùng bánh tráng mỏng cuốn thành những cuốn bằng ngón tay trỏ, bỏ vào chảo dầu chiên dòn. Chả dông Phú Lâm thường ăn kèm với rau sống Ngọc Lãng hoặc rau sống trồng ở các vùng đất soi Phú Lễ. Đây là những địa phương trồng rau sạch và ngon có tiếng.

Ai đã từng thưởng thức món chả dông ở phường Phú Lâm chắc nhớ mãi bởi món ăn này không chỉ thơm ngon vì chất đạm nhiều, mùi vị đặc trưng nổi tiếng mà giá một đĩa chả dông vài chục cái cũng rất hữu nghị, chỉ vài chục ngàn đồng là tạm dằn bụng 3-4 người ăn. Món này được bày bán ở những quán nhậu bình dân hai bên đường từ ngã ba Đông Tác đến sân bay Tuy Hòa, lan cả sang nhiều con đường của trung tâm thành phố Tuy Hòa nhưng nhiều nhất là khu Nguyễn Công Trứ.

Những người sành ăn ở đây còn muốn húp chén cháo dông nóng hổi vào cuối cuộc nhâm nhi. Thịt dông sau khi quết nhuyễn để làm chả thì dành lại một ít để nấu cháo. Muốn nồi cháo ngon thì xào qua thịt dông bằng dầu ăn. Gạo dùng nấu cháo phải là gạo thơm Tuy Hòa, ngâm sơ qua nước lã đến khi nồi nước thịt dông sôi ùng ục thì đổ gạo vào đun một lúc rồi nêm thêm muối mắm, mì chính, hành tiêu… Thế là có nồi cháo dông đặc biệt.

Còn với món thịt dông nướng, sử dụng thịt dông và gia vị như cách làm chả hay nấu cháo, có điều khác là món này phải dùng lá mãng cầu cuốn thịt dông thành từng miếng bằng ngón tay cái rồi nướng bằng lò than hồng nổ lách tách. Món thịt dông nướng có mùi thơm lôi cuốn. Món này mà uống với rượu gạo làng Qui Hậu (xã Hòa Trị huyện Phú Hòa, Phú Yên) thì hạp phải biết.


Qua Tang Online