Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Văn hóa ẩm thực

Bữa cơm gia đình ngày càng hiếm hoi

Đăng lúc 09:40 ngày 16/10/2006
Photo
Ngày xưa mỗi bữa cơm gia đình đều đoàn tụ, ít thiếu vắng ai. Lúc đó tôi còn nhỏ, mẹ giao nhiệm vụ chạy ra vườn mời ông nội và gọi tất cả mọi thành viên trong nhà vào ăn cơm. Bữa cơm nông thôn chỉ có tô canh rau nấu với tép và cá long tong kho tiêu, vậy mà ai nấy ăn cơm vui vẻ ngon lành.
 


Ông vào ngồi trước, mỗi người ngồi đúng vị trí của mình, chứ không được ngồi lung tung, "ăn coi nồi, ngồi coi hướng ” là vậy. Thường miếng ngon đều gắp cho ông nhưng ông lại nhường cho đứa cháu nhỏ nhất, mẹ không cho bị ông rầy.

Bữa cơm gia đình năm xưa sao mà đầm ấm hạnh phúc quá. Đây cũng là nơi chúng tôi có được những bài học nhớ đời về đạo hiếu, lễ nghĩa biết kính trên, nhường dưới, biết đối nhân xử thế... Vừa ăn, ông vừa dạy, ở đời con người ta sống được nhờ cái ăn cái mặc, còn một thứ vô cùng quý đó là hạnh phúc: vợ chồng, gia đình, hòa thuận cũng là hạnh phúc... Bữa cơm đầy đủ vui vẻ đó cũng là một thứ hạnh phúc không thể thiếu sau buổi lao động mệt nhọc. Ngồi lại với nhau ăn cơm nhường nhau từ miếng ăn, gắp miếng ngon cho nhau thể hiện tình thương yêu chăm sóc vô cùng quý giá. Qua bữa ăn ta cũng đoán được sức khỏe mọi người, đoán được tâm lý riêng tư, biết được ước vọng và mong muốn về tương lai... và có những lời giải đáp thắc mắc hữu hiệu nhất cho con cái.

Nay, đời sống kinh tế khó khăn, mọi người phải vật lộn với miếng ăn, rồi còn toan tính nghề nghiệp, địa vị xã hội… nên không còn thời gian trống để giao lưu tình cảm của các thành viên trong gia đình: Trẻ nhỏ thì đi học khi suốt cả ngày đến 4-5 giờ chiều mới về, người lớn đi làm suốt cả buổi, có khi họp hội đi sớm về trễ không chừng, nên bữa cơm thường thiếu vắng, tẻ nhạt vô cùng, kéo dài quanh năm suốt tháng, trở thành chuyện hàng ngày của gia đình hồi nào không hay.

Tối về, mạnh ai nấy lo, tụi nhỏ học bài, người lớn phải chúi đầu vào sổ sách. Ông chồng thì tối ngày đi sớm về trễ chưa nói đến việc nhậu nhẹt với bạn bè, giờ nào việc ấy, sống lệ thuộc theo đồng hồ, cuộc sống bây giờ khác xưa là ở chỗ đó.

Bữa cơm gia đình vô cùng quan trọng, nó nói nên tất cả từ tình yêu thương đến đạo đức, lòng hiếu thảo, sự chăm sóc, một bài học không thầy mà chỉ có ông ba, cha mẹ anh em dạy nhau, vô cùng bổ ích cho cả đời không sao kể hết.

Gia đình là tế bào xã hội, mâm cơm gia đình là cái nôi hạnh phúc, là cái máy điều hòa ấm lạnh, là sợi dây kết chặt tình thương, là bài học đạo lý gia đình và xã hội. Con người sống được nhờ gia đình và xã hội, nay thiếu vắng một phần mái ấm gia đình điều đó cũng buồn lắm.

Làm người phải biết hy sinh, nhưng cái gì cũng có chừng mực, vừa phải mới hay và có giá trị, đừng hy sinh một cách phi lý vô nghĩa, phải có chút thì giờ để vun đắp cuộc sống gia đình, đó là bữa cơm hàng ngày. Nó là truyền thống quý báu từ ngàn xưa. Ngày xưa những chuyện vui buồn trong gia đình ông bà ta thường ngồi lại bên mâm cơm để giải quyết cho trong ấm ngoài êm. Hàng xóm có điều phiền muộn với nhau cũng nhờ vào nồi cháo gà, cháo vịt để mở lòng cho nhau đôi điều, để rồi mọi ấm ức tan biến hết chỉ còn lại tình thương.

Bữa cơm trong gia đình rất quan trọng và có ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn. Dù bây giờ có trăm công ngàn việc, mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ đến hạnh phúc gia đình, mà chỉ có bữa cơm gia đình mới nói lên lời trọn vẹn về hạnh phúc. Đó cũng là việc nên làm lắm chứ.


Qua Tang Online