Danh mục bài viết
Book khach san

Home » Món ngày hè

Thực đơn giải nhiệt

Đăng lúc 09:47 ngày 27/04/2007
Photo
Thời tiết mùa nóng khiến ai nấy đều mệt mỏi không chỉ vì cái nóng hừng hực bên ngoài mà còn vì cái nhiệt hâm hấp bên trong. Vì thế mà nhiều người rất quan tâm đến việc chọn cách ăn uống thế nào cho bớt nóng trong lúc đợi… mùa mưa!
 


Nước, nước và... nước

Lời khuyên thường nghe từ phía các chuyên gia dinh dưỡng là uống nhiều nước, ăn rau quả tươi, thêm món canh trong khẩu phần… Đúng, vì hơn 70% cấu trúc của cơ thể là nước. Nếu trung khu điều nhiệt hoạt động tăng giảm tuỳ theo lượng nước trong cơ thể thì gia chủ bắt buộc cảm thấy “nóng” nếu thiếu nước.

Nhiều người ngại không dám uống nhiều nước vì sợ hại thận. Sai bét, ngược lại, vì thiếu nước thì lấy đâu phương tiện vận chuyển chất phế thải? Không ra ngoài được thì độc chất phải phá hoại đâu đó cho vui. Cơ thể, nếu chưa bị bệnh thận, nếu không suy tim, thừa sức dung nạp 3 lít nước mỗi ngày như chơi. Với vận động viên, người lao động nặng thì nhu cầu lên đến 5 lít mỗi ngày là thường. Nhiều bệnh lý nghiêm trọng thành hình dễ dàng chỉ vì cơ thể thiếu nước.

Uống đúng... nước

Điểm quan trọng là ăn, uống sao cho trung khu điều nhiệt chịu “tiếp tay” với gia chủ. Gặp lúc trời nóng như đổ lửa mà vớ được ly nước đá thật chẳng khác nào cơn mưa rào khi đúng ngọ. Nhưng tưới nước kiểu đó cũng từa tựa như châm dầu vào lửa!

Thông thường lúc nóng bức ai cũng thấy sướng khi uống nước lạnh, càng lạnh càng đã. Sướng ngay tức khắc nhưng sai về cơ chế điều nhiệt. Nhiệt độ quá thấp của món ăn, thức uống khi tiếp xúc với vùng hầu họng là lý do khiến hệ thần kinh trung ương phản ứng sai. Khi đó nó tưởng trời trở lạnh nên ra lệnh co mạch và bít kín lỗ chân lông ngoài da. Hậu quả là thân nhiệt không được giải toả. Người uống nước lạnh sau đó cảm thấy nóng hơn. Nếu không viêm họng cũng viêm bàng quang do vùng cổ họng bị kích ứng nhiều lần bởi chênh lệch nhiệt độ giữa không khí bên ngoài và ngụm nước đá.

Không lạ gì khi người dân ở các nước ôn đới, như Bắc Âu, lại ăn kem giữa mùa đông. Mới ăn tuy lạnh nhưng sau đó lại ấm nhờ tác dụng co mạch giữ nhiệt ngoài da. Dĩ độc trị độc là thế.

Ăn đúng... vị

Bạn đừng quên cảm giác nóng cũng tuỳ thuộc vào năng lượng thu nhập. Gặp ngày nóng bức mà chọn toàn món ngọt thì cơ thể chẳng khác nào miếng thịt nướng trên lửa than. Tệ hơn nữa là chọn ngay món béo vì chất mỡ là nguồn cung ứng năng lượng vừa dồi dào, vừa dài hơi hơn món ngọt. Do đó, nên chọn trái cây, rau cải để chất xơ trong thực phẩm kéo theo tạp chất, phế phẩm của chu trình biến dưỡng, nghĩa là chất sinh nhiệt, theo đường bài tiết mà trở về với… thiên nhiên.

Lúc trời nóng mà bậm môi uống nóng, ăn cay thì tuy có khó chịu lúc đầu, nhưng về sau thì… sướng! Chính nhờ món nóng mà cơ thể đổ mồ hôi, do nước bốc hơi qua mạng lưới lỗ chân lông chi chít trên mặt da, nhờ đó thân nhiệt giảm.

Ai đã đến Hong Kong chắc chắn tìm thấy nhiều quán trà giải nhiệt vì mùa hè ở đó còn gay gắt hơn bên mình gấp bội. Nhưng không có quán nào bán trà đá! Đó là chưa kể người bán khôn khéo dùng toàn cây thuốc có tác dụng lợi mật, lợi tiểu như rễ tranh, mã đề, a-ti-sô… để mượn đường bài tiết làm phương tiện “tống nhiệt, nghinh tiền trà nước.”


Qua Tang Online